Bầu cử Liên bang Canada
Thủ tướng Justin Trudeau lên nắm quyền vào năm 2015 ở thế đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, chính phủ của ông bị rơi vào thế thiểu số và phải dựa vào các đảng khác để thúc đẩy thông qua các quy định, chính sách mới.
Trong những tháng gần đây, nhận thấy những tín hiệu tích cực khi Đảng Tự do đạt được ủng hộ cao của dân chúng, luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dự luận, Chính quyền ông Trudeau đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm với hy vọng giành lại đa số ghế trong Nghị viện. Trong khi theo quy định pháp lý của Canada, Chính phủ không cần tổ chức bầu cử cho đến năm 2023. Ngày 15/8, Ottawa đã chính thức kích hoạt cuộc bầu cử liên bang lần thứ 44 của quốc gia này.
Tương lai quan hệ kinh tế của Canada với các nước ASEAN và Việt Nam sẽ ra sao?
Có 5 đảng tham gia tranh cử lần này gồm đảng Tự do, đảng Bảo thủ, đảng Dân chủ mới, đảng Xanh và lãnh đạo Khối Quebec (Bloc Québécois). Tuy nhiên, cuộc đua chủ yếu diễn ra giữa 2 đối thủ “nặng ký” là đảng Tự do của đương kim Thủ tướng Justin Trudeau và đảng Bảo thủ, lãnh đạo bởi ông Erin O’Toole.
Từ những chính sách, nền tảng tranh cử của 2 đảng dẫn đầu này, có thể thấy một số nhận định về tương lai quan hệ kinh tế của "đất nước Lá phong đỏ” với ASEAN và Việt Nam như sau:
Đảng Tự do Canada
Đảng Tự do của Canada, nếu được bầu lại, sẽ tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy thương mại tự do hơn giữa Canada và ASEAN. Thủ tướng Justin Trudeau là người ủng hộ và thúc đẩy việc chuyển đổi chương trình nghị sự thương mại của Canada theo hướng đa dạng hóa thị trường và xoay trục sang Đông Nam Á. Dự kiến, nếu tiếp tục lãnh đạo Canada, Hiệp định thương mại tự do Canada - ASEAN (FTA) sẽ có thể sớm được khởi động vào cuối năm 2021. Canada cũng đã theo đuổi các FTA song phương với các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) dưới thời Chính phủ của đảng Tự do, bao gồm việc ra mắt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Indonesia gần đây, được Bộ trưởng Mary Ng công bố vào tháng 6/2021.
Chính phủ của đảng Tự do nếu được bầu lại đã cam kết thành lập một trung tâm liên bang (federal hub) mới để giúp các doanh nghiệp và doanh nhân Canada tận dụng tối đa các cơ hội do các hiệp định thương mại như CPTPP mang lại. Đảng này cũng cam kết khởi động một chiến lược toàn diện mới về châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ đối tác ngoại giao, kinh tế và quốc phòng trong khu vực, bao gồm cả việc đàm phán các hiệp định thương mại song phương mới, mở rộng Hiệp định Bảo hộ và Đầu tư (FIPA) và xây dựng các mối liên kết kinh tế mạnh mẽ hơn.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở khu vực Đông Nam Á và ngược lại, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 2, sau Hoa Kỳ của Việt Nam ở khu vực châu Mỹ. Trong Hiệp định CPTPP, Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế, chiếm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada. Sau 2 năm hiệp định có hiệu lực, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada vẫn đạt 29,8% năm 2019 và 12% năm 2020, bất chấp bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của đại dịch Covid-19. Hiệp định được đánh giá sẽ là bàn đạp để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước và sẽ có nhiều bước đột phá trong thời gian tới.
Dự kiến, Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam - Canada cũng sẽ sớm được thành lập vào tháng 10/2021. Ủy ban với mục đích tạo kênh đối thoại và hợp tác để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, tháo gỡ vướng mắc, tìm kiếm giải pháp tận dụng tối đa lợi ích Hiệp định CPTPP mang lại. Doanh nghiệp cũng là đối tượng tham gia khi có các nội dung cần thúc đẩy liên quan.
Đảng Bảo thủ Canada
Chính phủ đảng Bảo thủ Canada chủ trương “thương mại tự do với các quốc gia tự do” trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ lợi ích của người lao động Canada. Kế hoạch Phục hồi Canada của Đảng với mục tiêu xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với những quốc gia chia sẻ các giá trị của người Canada, bảo vệ việc làm và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Đảng này cũng ủng hộ mạnh mẽ Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm hướng nền kinh tế Canada thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm việc thu hút và đầu tư sâu hơn vào các quốc gia khác, chẳng hạn như các nước ASEAN.
Là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo Kế hoạch Phục hồi Canada năm 2021 của đảng Bảo thủ, lãnh đạo đảng này là ông Erin O'Toole cam kết thúc đẩy thương mại và công nghệ, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của các quy tắc thương mại kỹ thuật số tự do và cởi mở, thúc đẩy các cơ hội kinh tế với các đối tác đáng tin cậy và loại bỏ rào cản đối với các công ty Canada. Đảng Bảo thủ Canada cũng tìm cách phát triển thị trường xuất khẩu nguyên liệu sạch, bao gồm xuất khẩu thêm Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Canada sang châu Á để thay thế than đá.
Đáng lưu ý, đảng Bảo thủ có lịch sử thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, có khả năng sẽ tiếp tục nếu Đảng này được bầu. Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế thuộc đảng Bảo thủ và Bộ trưởng Cửa ngõ châu Á - Thái Bình Dương, Ed Fast, là người có công trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa Canada và ASEAN. Cựu Bộ trưởng Fast cũng là một thành viên tích cực trong việc định hình chính sách thương mại giữa Canada và châu Á dưới thời đảng Bảo thủ Canada.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44 năm 2012, ông tuyên bố thành lập Hội đồng Kinh doanh Canada - ASEAN (CABC) và thông qua kế hoạch làm việc nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và đầu tư giữa Canada và ASEAN. CABC là tổ chức và là tiếng nói của khu vực tư nhân Canada hoạt động trong ASEAN. Các thành viên của CABC - bao gồm nhiều công ty hàng đầu của Canada đã hiện diện trong thời gian dài tại Việt Nam. Hội đồng này đã phối hợp với Việt Nam và các nước ASEAN tổ chức nhiều sự kiện thúc đẩy thương mại, đầu tư lẫn nhau. Hội đồng kêu gọi Canada nên ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam, tận dụng hiệp định tự do CPTPP mà hai quốc gia là thành viên.
Nhìn chung, đa dạng hóa thị trường, đối tác, hướng về khu vực châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đều là nội dung mà cả hai ứng cử viên “nặng ký” của Canada trong cuộc bầu cử lần này. Mỗi đảng tuy có các cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều cùng chung mục tiêu tìm kiếm đối tác năng động có để có thể thay thế Trung Quốc và thoát khỏi cái bóng lớn của Hoa Kỳ ở khu vực. Với chính sách kinh tế cởi mở, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp Canada trong thời gian tới.
Nguyễn Bá Hoàng Giang