|
  • :
  • :

Khai thác lợi thế kinh tế vườn

Xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đang tập trung cho các vùng trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP.

Xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đang tập trung cho các vùng trồng cây ăn trái theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt là thực hiện theo hướng liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và hình thành các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Mỗi một nhà nghỉ dưỡng ở Khu nghỉ dưỡng Mương Đình đều có tên một loài hoa.

Theo UBND xã Nhơn Nghĩa A, trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì toàn xã có diện tích vườn cây ăn trái là 927ha, các loại cây ăn trái chủ yếu là cam sành, sầu riêng. Hiện toàn xã chỉ còn 30ha đất trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: Cho đến thời điểm này, trong 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, theo đánh giá của xã đã đạt được 15/19 tiêu chí. Còn 4/19 tiêu chí chưa đạt cần thực hiện bổ sung và chờ cấp trên ban hành quy định là tiêu chí quy hoạch, giáo dục, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn và tiêu chí y tế. Phấn đấu năm 2022 xã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao (giai đoạn 2021-2025), trong quý III này xã thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ trình về trên xin công nhận, tái công nhận.

Theo đó, trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao thì hiện nay xã đang đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn. Chú trọng thực hiện theo chuỗi giá trị để nâng giá trị sản xuất cho người dân. Hiện tại, trong tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của xã, trong đó có 80% diện tích vườn, phần lớn là trồng cây ăn trái các loại. Thu nhập bình quân mỗi năm từ vườn đạt 500 triệu đồng/ha. Để sản phẩm cây ăn trái của người dân đáp ứng điều kiện thị trường thì cho tới điểm này toàn xã có 9/9 ấp đều có mã vùng trồng.

Hiện nay, trong phát triển vườn cây ăn trái, xã chỉ đạo các ấp vận động người dân trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP. Ông Đỗ Việt Khởi, Trưởng ấp Nhơn Phú 1, cho biết: Với những lợi thế về đất đai, giao thông đường thủy, bộ thuận lợi và đặc biệt địa bàn xã gần trung tâm thành phố Cần Thơ nên đây là điều kiện tốt cho việc phát triển diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn và giao thương hàng hóa. Để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất trồng cây ăn trái, một số nhà vườn trên địa bàn ấp đã năng động gắn kết việc phát triển kinh tế vườn với khu du lịch homestay. Nhờ biết tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế đã giúp cho đời sống người dân ngày càng ổn định và phát triển tốt hơn. Trong thời gian tới, ấp tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng những mô hình kinh tế vườn có lợi nhuận cao.

Thay vì chỉ đợi thu nhập từ mỗi đợt thu hoạch trái cây như thông thường, gia đình bà Dương Thị Nhỏ, ở ấp Nhơn Phú 1, đã mạnh dạn thay đổi cách làm để tăng nguồn lợi nhuận mỗi năm. Bà Nhỏ chia sẻ: “Từ việc đi tham quan, học hỏi thấy nhiều mô hình homestay ở những địa phương khác thấy hay nên gia đình quyết định không làm nông theo kiểu thông thường như trước đây nữa. Quyết định làm homestay cộng đồng để kéo người nông dân quanh vùng cùng làm, kéo mọi người phát triển đi lên. Thay vì cứ làm nông theo truyền thống, cứ bị rơi vào cảnh “được mùa mất giá và mất mùa thì được giá” còn bị thương lái ép giá nữa. Hiện nay, gia đình đã liên kết với rất nhiều nhà vườn, với tổng diện tích cây ăn trái để phục vụ du khách theo mùa khoảng 50ha. Sự kết hợp với cộng đồng đã giúp cho nhà vườn bán trái cây có giá hơn.  

Khu Homestay Mương Đình (Khu nghỉ dưỡng các loài hoa) của gia đình bà Nhỏ được xây dựng trên tổng diện tích 3.500m2, với 14 căn nhà nghỉ dưỡng mang tên các loài hoa. Với nét đặc trưng riêng của khu nghỉ dưỡng, gắn liền với thiên nhiên, đặc biệt được liên kết với nhiều chủ nhà vườn và các làng nghề ở các huyện, thành phố của tỉnh được gắn kết đã tạo nên sự khác biệt và thu hút khách đến. Nhờ đó, chỉ đi vào hoạt động trong vòng 8 tháng đầu năm nay nhưng đã thu hút gần 5.000 lượt khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Hiện tại, xã đề xuất và thông qua hội đồng huyện để công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Để tiếp tục nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn cũng như đời sống người dân, ông Nguyễn Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: Xã tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thu nhập cao trên địa bàn như nhãn, sầu riêng, mít Thái... Tăng diện tích vườn cây ăn trái, kết hợp với cải tạo vườn và tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là các loại thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Khuyến khích Nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động để chuyển đổi ngành nghề ra khỏi khu vực nông nghiệp, góp phần tăng mức sống nhằm đảm bảo tăng mức thu nhập để đạt chuẩn trong năm 2022.

Ngoài ra, xã tiếp tục vận động Nhân dân tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm tăng tỷ lệ giá trị hàng hóa nông nghiệp chủ lực sản xuất, kinh doanh có liên kết với doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện mô hình sản xuất nhãn theo chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm với diện tích 8,57ha trên địa bàn ấp Nhơn Ninh. Tăng tỷ lệ cơ giới hóa bình quân các khâu trong sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực, nhất là tiếp tục vận động người dân thực hiện các khâu cơ giới hóa để giảm chi phí trong sản xuất...

Bài, ảnh: T.XOÀN

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/khai-thac-loi-the-kinh-te-vuon-114168.html
Tin liên quan