|
  • :
  • :

Khó nhận diện cụ thể hành vi bạo lực gia đình

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó.

Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Khó nhận diện cụ thể hành vi bạo lực gia đình
Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.

Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình có thể đan xen lẫn nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp các hành vi bạo lực gia đình.

Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung tính khả thi của biện pháp này.

Có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp “hành động vì lợi ích cộng đồng” hay “lao động công ích” vì cần lưu ý nếu quy định là “lao động công ích” là trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.

Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

“Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Uỷ ban nhận thấy, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.

Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung Điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” như thể hiện tại dự thảo Luật.

Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án (Điều 25 và Điều 26), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc rà soát khoản 2 Điều 26 để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án không có thẩm quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình”.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các vụ việc bạo lực gia đình mang tính chất đặc thù, nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, cần phải có biện pháp xử lý ngay.

Do vậy, dự thảo Luật quy định Tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi thấy cần thiết bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị bạo lực gia đình là phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó.

“Ngay các cơ quan truyền thông cũng đưa lên là liệu không nghe điện thoại có phải là bạo lực không" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, đồng thời chia sẻ, nếu như cứ đi vào từng thực tiễn, từng vụ việc để cố gắng khu trú lại từng hành vi quả thực rất khó. Cho nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách - ông Nguyễn Phú Cường bày tỏ băn khoăn về điều 3 dự thảo quy định định nghĩa hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể, tại điểm e điều 3 nêu quy định ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh là hành vi bạo lực gia đình.

Tuy nhiên khi thảo luận tổ, có ý kiến đại biểu chỉ ra việc có con, cháu 16 - 17 tuổi cuối tuần không chịu đi học mà định cùng nhóm bạn đi chơi song gia đình không cho. Khi gia đình không cho đi thì con cháu tố cáo là bị bạo lực gia đình thì có đúng không?.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát quy định của dự thảo Luật tương thích với quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, biện pháp áp dụng của Tòa án đối với hành vi cải tạo không giam giữ cũng chỉ quy định không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lại quy định áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng với người có hành vi bạo lực gia đình không quá 8 giờ/một ngày thì có phù hợp và bảo đảm tính khả thi hay không? “Quy định này có tính đến bảo đảm sinh kế cho người bị áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng chưa?” - Chủ tịch Quốc hội nêu.

Đối với cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên sửa lại từ ngữ cho chính xác hơn, thay vì quy định “có chính sách miễn, giảm thuế, phí, vay vốn ưu đãi” nên quy định “ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật”.

Quỳnh Nga
 
Tác giả: Quỳnh Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/kho-nhan-dien-cu-the-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-217340.html
Tin liên quan