|
  • :
  • :

Kinh doanh liêm chính: Con đường thành công bền vững

Kinh doanh liêm chính, không chỉ góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, mà còn được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp có thể thành công, phát triển bền vững, góp phần hồi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Đó là những khuyến nghị của các chuyên gia tại Diễn đàn trực tuyến: "Văn hóa kinh doanh liêm chính: Con đường dẫn tới kinh doanh thành công và vững bền”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức ngày 28/9/2021.

Ông Patrick Haverman - Phó Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam - cho rằng: Trong các yếu tố quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế thành công, kinh doanh liêm chính có thể coi là một yếu tố mang tính then chốt. Khi doanh nghiệp cam kết liêm chính, hoạt động minh bạch, đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, đề cao đạo đức kinh doanh sẽ nhận được sự tin tưởng của khách hàng, đối tác, có cơ hội phát triển thành công, từ đó cũng sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, phát triển lâu dài, bền vững, góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam trong năm 2020, cho thấy, dù đã có những cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh, song vẫn còn gần 50% số doanh nghiệp trong cuộc khảo sát phản hồi, cho biết, họ đã trả các khoản chi phí không chính thức. Ông Patrick Haverman, nhấn mạnh: "Nâng cao tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng trong hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam là rất cần thiết. Điều này sẽ đóng vai trò tích cực, quan trọng, qua đó góp phần thúc đẩy phục hồi nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch Covid-19”.

Kinh doanh liêm chính: Con đường thành công bền vững

Ảnh minh họa

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Phí Ngọc Tuyển - đại diện Thanh tra Chính phủ - cho biết: Chính phủ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để xây dựng văn hóa không tham nhũng, coi đó là nền tảng phát triển bền vững. Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính là một yêu cầu quan trọng đã được đặt ra. Nghị quyết về Phát triển bền vững đến 2030 đã được Chính phủ ban hành năm 2020, trong đó định hướng tới xã hội không tham nhũng, xây dựng kinh doanh liêm chính. Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã đề cập đến các qui định phòng, chống tham nhũng không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư.

Theo ông Phí Ngọc Tuyển, xây dựng văn hóa không tham nhũng, nếu chỉ riêng Chính phủ nỗ lực thực hiện thì không đủ, cần có sự ủng hộ, tham gia từ nhiều phía, trong đó có người dân và doanh nghiệp. Ông Tuyển khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với VCCI và các bên liên quan để thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bền vững, kinh doanh liêm chính.

Tại diễn đàn, Ban tổ chức cho biết, đến nay, đã có 15 hiệp hội với hơn 13.000 thành viên (doanh nghiệp) ký vào bản cam kết “kinh doanh liêm chính” để thể hiện tính tuân thủ, tính liêm chính và tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI - cho rằng: Covid-19 cũng là một phép thử về tính liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nói chung đã và đang gặp rất nhiều thách thức do Covid-19 gây ra, trong đó có việc tuân thủ phòng chống dich… Trong quá trình ấy, cùng với những khó khăn về điều kiện làm việc từ xa, suy giảm lao động, gián đoạn kỹ thuật, đứt gãy chuỗi cung ứng…, áp lực về đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh có thể khiến tính liêm chính của doanh nghiệp bị tác động, sai sót về tuân thủ có thể xảy ra, thậm chí thực hiện cả những hành vi kinh doanh phi đạo đức.

Với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, Chương trình cải cách thương mại khu vực Đông Nam Á và sự hợp tác chặt chẽ của UNDP thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”, thời gian qua, VCCI đã đồng hành với chương trình nghị sự thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh thông qua nhiều sáng kiến, diễn đàn, các nền tảng để huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới duy trì một sáng kiến liêm chính được định hướng bởi doanh nghiệp. Trong đó, Mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính tại Việt Nam (VBIN), đã được triển khai nhằm huy động các nỗ lực tập thể của cộng đồng doanh nghiệp, với mục đích tuân thủ các quy tắc và quy định liên quan đến kinh doanh liêm chính, lan tỏa các thực tiễn tốt, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp có thể lấy chương trình nghị sự liêm chính làm trọng tâm khi đối diện với những thách thức. Tham gia VBIN, các doanh nghiệp có thể giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác cùng nhau để tăng cường quản trị công ty, hướng tới sự phát triển bền vững.

Diễn đàn này được tổ chức là một hoạt động chính của Sáng kiến liêm chính giữa chính phủ và doanh nghiệp (GBII) do VCCI và UNDP thực hiện tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án Fair Biz, nhằm hỗ trợ tăng cường tính liêm chính và minh bạch của doanh nghiệp, cải thiện pháp luật và chính sách phòng chống tham nhũng, tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả ở Việt Nam.

Đại diện VCCI chia sẻ: Kinh doanh liêm chính không khó, doanh nghiệp đầu tư cũng không quá nhiều chi phí cho việc này, quan trọng là tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật; sau đó có thể áp dụng các bộ qui tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, giữ lời hứa, minh bạch, chính trực và thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan. Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp cũng phải không máy móc, dập khuôn theo một mô hình nhất định, mà có thể linh hoạt áp dụng các bộ qui tắc về vấn đề này một cách linh hoạt phù hợp.

Ngọc Quỳnh

Tác giả: Ngọc Quỳnh
Nguồn: https://congthuong.vn/kinh-doanh-liem-chinh-con-duong-thanh-cong-ben-vung-164853.html
Tin liên quan