|
  • :
  • :

Kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương

Hiện nay, nông dân ngày càng chủ động trong việc trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tham gia các HTX, THT thay cho sản xuất theo quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ, lẻ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống. Sự chủ động thay đổi tư duy, cách làm của nông dân trong liên kết sản xuất giúp các mô hình KTTT phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và XDNTM ở các địa phương.

HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) với cây trồng chủ lực là chanh không hạt. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn có nguồn hàng dồi dào, đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho đối tác, bảo đảm việc làm và nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các thành viên. HTX thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất.

Hợp tác xã hoạt động hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) thu hoạch chanh không hạt)

Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình - Bùi Văn Khắp cho biết, chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít sâu, bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, năng suất đạt khá cao, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Nếu được đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau hơn 18 tháng, chanh bắt đầu cho trái và có thể thu hoạch.

Hiện nay, năng suất bình quân khoảng 15-20 tấn/ha/năm, giá bán từ 5.000-15.000 đồng/kg. “Thu nhập từ cây chanh đã giúp nhiều thành viên HTX vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Hiện HTX phối hợp các công ty thu mua để tiêu thụ chanh, tuy nhiên giá cả vẫn chưa cố định và còn phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ cố gắng tìm đầu ra ổn định cho chanh của các thành viên HTX và nông dân địa phương” - ông Bùi Văn Khắp cho biết thêm.

Thông qua liên kết sản xuất, các mô hình KTTT đã phát huy lợi thế, thúc đẩy tích cực phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của KTTT, tự đứng ra thành lập các tổ, hội trên tinh thần cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Qua đó, chủ động, sáng tạo hơn trong sản xuất.

Các hợp tác xã trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đến học tập kinh nghiệm sản xuất thanh long tại Hội quán Cầu Đôi (huyện Châu Thành)

Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - Trương Minh Trung chia sẻ: “Thành viên Hội quán Cầu Đôi thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hội quán cũng tổ chức cho thành viên đi học tập ở những hội quán, mô hình nông nghiệp lớn, hiệu quả trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng vào phát triển kinh tế”.

Xác định rõ tầm quan trọng của KTTT, thời gian qua, việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT luôn được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 249 HTX nông nghiệp, trong đó 40 HTX ngưng hoạt động và 209 HTX đang hoạt động với tổng số 5.328 thành viên; 1.343 THT với 24.036 thành viên và 5 liên hiệp HTX. Hầu hết các HTX đã đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên sản phẩm đạt chất lượng tốt, nhiều nông sản đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Trung Đông, EU,...

Cần tiếp sức cho kinh tế tập thể phát triển

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển KTTT phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương. Từ đó, nhân rộng các mô hình hay, cách quản lý hiệu quả; đồng thời, tổ chức nhiều chương trình giúp các THT, HTX tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, sản xuất nhỏ, lẻ đã không còn phù hợp, nông dân cần hướng tới nông nghiệp hữu cơ, các mô hình KTTT, liên kết kinh doanh, bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu. Qua hoạt động, các mô hình KTTT giúp nông dân được vay vốn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Thời gian qua, KTTT góp phần rất lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp và XDNTM của tỉnh. Để tạo điều kiện cho các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh phối hợp Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” kết nối HTX, THT với các công ty, tổ chức triển khai thiết bị công nghệ cao vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, kiểm tra, hỗ trợ HTX trong thực hiện các hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,...

“Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ từ ngành chức năng, các HTX, THT phải chủ động vượt qua những khó khăn, chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy, nhận thức và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, phải chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng,... để bảo đảm hiệu quả sản xuất” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/kinh-te-tap-the-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi-a186986.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin