Ông Nguyễn Văn Ân bên vườn khoai giống. |
Ông Nguyễn Văn Ân, thôn Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà vốn là một nhà nông chuyên trồng cà phê. Nhận thấy nhu cầu trồng khoai lang của bà con Lâm Hà cũng như khu vực Lâm Đồng rất lớn, ông Ân và gia đình chuyển hướng trồng khoai lang giống, chuyên cung cấp dây khoai chất lượng cao cho bà con trồng khoai lang ngọt. Và để có vườn khoai lang giống 1 ha như hôm nay, ông Ân cũng đã phải học tập rất nhiều để sản xuất giống đạt chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Ân chia sẻ, nông dân trồng khoai lang Nhật thường cắt dây khoai bánh tẻ, trồng trên luống và sau 4 tháng trồng là đào củ thu hoạch. Thường bà con mua giống từ các vườn đang lấy củ nhưng muốn trồng khoai lang giống chất lượng cao cần đi theo cách làm khác hẳn. Ông cho biết: “Muốn trồng khoai lang giống chuyên thì phải trồng từ khoai cấy mô. Giống cấy mô đảm bảo cây khoai thuần chủng, sức sống tốt, không bệnh tật. Như vườn khoai nhà tôi làm giống trồng đều từ cây mô”. Ông Ân cho hay, ban đầu ông mua 2.500 củ mô khoai lang Nhật về gầy. Từ 2.500 củ mô ban đầu, ông ươm, trồng và cắt dây mới nhân ra 1 ha khoai lang giống đời f1. Và dây giống cung cấp cho bà con được cắt từ vườn f1 này. Giá một củ khoai mô lên tới 20 ngàn đồng, cao hơn rất nhiều so với việc mua dây khoai lang giống bình thường. Tuy nhiên, củ mô đảm bảo chất lượng tốt nhất cho vườn giống, vừa sạch bệnh, vừa cho những dây khoai có độ thuần chủng cao.
Ông Nguyễn Văn Ân cũng chia sẻ, trồng khoai làm giống cũng không khác nhiều so với trồng khoai lang lấy củ. Đất được làm thật kỹ, bón lót phân chuồng, lên luống và vùi dây khoai xuống. Cây khoai cần độ ẩm vừa phải nên vào mùa khô, ông Ân tưới 2 ngày/lần, mùa mưa thì không cần tưới. Sau 3 tháng, vườn khoai bén rễ đâm chồi, đủ điều kiện để bắt đầu cắt giống. Ông Ân cung cấp: “Thường trồng khoai chuyên làm giống không bán đếm dây. Như nhà tôi, người mua tới cắt nguyên diện tích, có thể cắt 1 sào, 2 sào hay cả vườn tùy theo nhu cầu. Một ha giống có thể cung cấp lượng dây cho 13 - 15 ha trồng lấy củ”. Với tốc độ sinh trưởng nhanh như dây khoai lang, thường từ 25 - 30 ngày sẽ được cắt một lứa. Hiện ông Ân bán khoai giống với giá khoán gọn 1,8 triệu/sào, 1 ha có giá 18 triệu/lần cắt. Một năm, một ha khoai giống có doanh thu xấp xỉ 200 triệu đồng.
Điểm khá đặc biệt là nếu khoai lang Nhật thu hoạch sau khi trồng 4 - 5 tháng thì cây khoai làm giống thời gian thu hoạch kéo dài hơn. Như ông Ân, thường vườn khoai giống của ông có thời gian thu hoạch 1 năm, sau đó sẽ hủy toàn bộ vườn, đào củ, xử lý đất, mua củ mô về làm giống trồng lại đợt mới. Theo ông Ân, sau 1 năm cắt dây là gốc khoai bị “già”, khi lấy giống sẽ không được khỏe như khoai tơ, cần thay lại giống mô mới để đảm bảo sức sống cho dây khoai giống. Khi thay giống, củ khoai từ vườn giống chất lượng không được ngon và năng suất cao như vườn trồng chuyên lấy củ nhưng vẫn bán đuợc với giá rẻ, chủ yếu cho những hộ chăn nuôi làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Như năm 2020, ông thu củ từ vườn giống với năng suất 2 tấn/sào, giá bán 2 ngàn đồng/kg, cũng là khoản thu bù đắp phần chi phí. Ông Ân đánh giá: “Trồng khoai lang giống sau khi trừ hết chi phí giống, phân, nhân công thì còn khoảng 180 - 200 triệu đồng/ha/năm, tuy thấp so với nhiều loại cây trồng khác nhưng so với cà phê thì thu nhập tốt hơn, lại ít chi phí cũng như công chăm sóc”.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà đánh giá, hộ ông Nguyễn Văn Ân là hộ nông dân sản xuất giỏi, năng động. Vườn khoai lang giống của gia đình ông Ân cung cấp giống cho nhiều bà con trồng khoai từ các xã trong huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng, Đam Rông. Thậm chí, bà con trồng khoai các tỉnh Đắc Nông, Đắk Lắk cũng tới mua giống bởi chất lượng giống của vườn rất chuẩn, giống được làm từ củ mô sạch, không bị các bệnh thường gây hại khoai. Ông Ân vừa làm kinh tế giỏi, vừa là một nông dân mẫu mực trong cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm canh tác cho bà con.