|
  • :
  • :

Lào Cai: Phát triển nông nghiệp phải gắn với bản sắc địa phương

Sáng 17/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi làm việc với tỉnh Lào Cai về tình hình chăn nuôi, thủy sản và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Đ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Nông nghiệp đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao

Tỉnh Lào Cai có 182,086 km đường biên giới với 5/9 huyện, thị xã, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc. Hằng năm lượng hàng hóa trung chuyển đến và qua tỉnh Lào Cai lớn, đặc biệt là sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, tổng đàn trâu đạt 112.297 con, đàn bò 21.703 con, đàn lợn 325.189 con, đàn ngựa 7.791 con, đàn gia cầm 5.045 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 63.095 tấn. Sản lượng trứng đạt 62.187 nghìn quả. Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm trên 50% cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và một phần xuất bán ra ngoại tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 343 trang trại chăn nuôi (225 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 113 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn), trong đó có 110 trang trại chăn nuôi có giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích nuôi đạt 57.100 m3, sản lượng đạt 670 tấn; ước đến hết năm 2021 sản lượng đạt 690 tấn, chủ yếu nuôi tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Bắc Hà, giá trị sản xuất đạt khoảng 25-30 tỷ đồng/ha.

Ngày càng có nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Bát Xát.
Ngày càng có nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Bát Xát.
Do có vị trí địa lý thuận tiện, lượng vận tải động vật, các sản phẩm động vật đến và qua tỉnh lớn nên nguy cơ lây lan dịch bệnh khá lớn.

Vì vậy, tỉnh luôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, tập trung vào các bệnh: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, bệnh dại ở động vật…

Đồng thời, tăng cường lấy mẫu giám sát chủ động và bị động; tiếp tục hỗ trợ và lựa chọn vacxin, hóa chất phù hợp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo kế hoạch đã được phê duyệt…


Tại buổi làm việc, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù hiện nay phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn khó khăn như: Liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản mới hình thành, quy mô nhỏ, tính liên kết chưa bền vững; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều; kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ còn nhiều hạn chế; chăn nuôi gia súc, gia cầm nông hộ quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao trên 80% số hộ chăn nuôi; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng còn nhiều hạn chế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác khảo sát tình hình xuất nhập khẩu nông sản tại Lào Cai. Ảnh: H.Đ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác khảo sát tình hình xuất nhập khẩu nông sản tại Lào Cai. Ảnh: H.Đ.

Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Vì vậy, tỉnh Lào Cai mong muốn Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ quy hoạch chăn nuôi và xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, tiêu thụ sản phẩm; điều chỉnh thời gian kê khai hoạt động chăn nuôi 2 lần/năm vào tháng 6 và tháng 12 để phù hợp với điều kiện của địa phương vùng cao; có chính sách phát triển thủy sản nước lạnh.

Quan tâm bố trí kinh phí cho tỉnh Lào Cai tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phòng chống dịch bệnh quốc gia. Tạo cơ hội để các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào Lào Cai trong phát triển, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản...

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ trao đổi với tỉnh Lào Cai tháo gỡ các khó khăn và cho ý kiến về những kiến nghị của tỉnh để có giải pháp phù hợp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Lào Cai có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, thủy sản. Trong những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045 theo Quyết định 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Chính phủ, Lào Cai cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong quy hoạch, cần xác định rõ tiềm năng lợi thế, chú trọng tái cơ cấu trên các lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi khép kín và có tầm nhìn chiến lược.

Phát triển chăn nuôi góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp nhưng cần giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá của địa phương.

Đối với công tác thú y, Thứ trưởng lưu ý Lào Cai không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi; cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin phòng dịch cho vật nuôi; chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; xây dựng các cơ sở  giết mổ động vật đảm bảo an toàn…

Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã khảo sát tình hình xuất nhập khẩu nông sản tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202107/lao-cai-phat-trien-nong-nghiep-phai-gan-voi-ban-sac-dia-phuong-779077/
Tin liên quan