|
  • :
  • :

Liên kết hợp tác - Hướng đi hiệu quả của nông dân

Việc liên kết hợp tác đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu mà còn bảo đảm đầu ra, tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông dân.

Giải “bài toán” về đầu ra

Sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều thách thức, tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra, khiến ND - người trực tiếp tạo ra sản phẩm - luôn trong thế “cửa dưới”.

Để khắc phục tình trạng này, ND cần phải tham gia vào hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác,... để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, lợi nhuận.

Thực tế cũng đã chứng minh, việc tham gia chuỗi liên kết cơ bản giải quyết được vấn đề đầu ra sản phẩm cũng như giá thành,...

Khi ND tham gia HTX để cùng nhau sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn, sản phẩm tạo ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường và họ sẽ thụ hưởng được thêm những lợi ích từ chính công sức mình bỏ ra.

Tham gia hợp tác xã, nông dân yên tâm về đầu ra (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) được hỗ trợ nhà lưới để sản xuất)

Với mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng vì sức khỏe người tiêu dùng, HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) luôn chú trọng tuyên truyền, vận động các thành viên tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón vi sinh, hữu cơ, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Nhờ vậy, sản phẩm của HTX cơ bản có đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với bên ngoài. Thành viên của HTX có lợi nhuận bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm, một số thành viên sản xuất giỏi có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, HTX tạo việc làm và thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng cho khoảng 40 lao động tại địa phương. Theo anh Phan Thanh Tùng (thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa), khi tham gia vào HTX, ngoài được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo quy chuẩn, ND cũng hình thành thói quen sản xuất khoa học hơn, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức.

Điều mừng nhất là hiện nay sản phẩm được bao tiêu, đầu ra ổn định, giá bán cao hơn bên ngoài từ 500-1.000 đồng/kg nên anh yên tâm gắn bó lâu dài với HTX.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết: Bối cảnh hiện nay chứng minh rằng, liên kết hợp tác là xu thế tất yếu để phát triển và ND cũng không ngoại lệ. Vì vậy, qua sự vận động, tuyên truyền và nhận thấy hiệu quả thiết thực từ liên kết hợp tác trong sản xuất, nhiều ND đã tham gia vào HTX.

Hiện HTX có 62 thành viên với diện tích sản xuất hơn 20ha. Thế mạnh của HTX là các loại rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị, rau thủy canh,... đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.

HTX còn đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị (giá cao hơn bên ngoài từ 500-2.000 đồng/kg, tùy loại), hỗ trợ vốn Hướng đi hiệu quả của nông dân Liên kết hợp tác - xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động,... góp phần giúp các thành viên yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tăng lợi nhuận

Tham gia liên kết hợp tác là xu hướng tất yếu hiện nay để hình thành chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng lợi nhuận,... Đây cũng là giải pháp tốt nhất cho ND trong việc sản xuất hiện nay.

Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) được chọn tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại HTX Nông nghiệp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, các thành viên tham gia đều nhận thấy rõ hiệu quả từ quá trình liên kết sản xuất.

Thành viên không cần lo lắng về đầu ra, trong quá trình sản xuất, các chi phí phát sinh được HTX hỗ trợ một phần, giá lúa bán cũng cao hơn so với bên ngoài từ 50-100 đồng/kg.

Anh Võ Vũ Linh - thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn, phấn khởi nói: “Sản xuất theo quy trình được hướng dẫn giúp ND giảm chi phí sản xuất, lúa được bao tiêu toàn bộ, giá bán cao hơn nên lợi nhuận tăng. Các thành viên rất vui mừng và an tâm sản xuất. Tôi hiện có 13ha đất sản xuất trong HTX”.

Lợi nhuận của các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cao hơn bên ngoài từ 30-50%/ha

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo, chúng tôi được tham gia nhiều chương trình trong quá trình hoạt động, sản xuất, từ đó góp phần tạo thương hiệu cho HTX. Chúng tôi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đơn vị tại tỉnh Đồng Tháp, giá cao hơn 50-100 đồng/kg so với thị trường và sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành viên cũng được HTX hỗ trợ nên chi phí sản xuất giảm khoảng 30-50%/ha, nói cách khác, thành viên HTX có thêm lợi nhuận từ 30-50%/ha so với bình thường.

Hiện nay, HTX có 120 thành viên sản xuất với diện tích 464ha. Đặc biệt, HTX rất vinh dự được lựa chọn để tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là cơ hội phát triển cho HTX và chúng tôi quyết tâm hoàn thành thật tốt để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận cho ND”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị cao.

Thông qua các mô hình liên kết sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng có năng suất và chất lượng cao hơn. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập, lợi nhuận cho nông dân. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nhằm tổ chức lại sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, liên kết giữa doanh nghiệp và ND để thực hiện liên kết sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị nông sản; hình thành cơ chế liên kết giữa các chủ thể tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung;...

Tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình thực hiện liên kết sản xuất tại địa phương và nắm bắt những khó khăn, thuận lợi để kịp thời đưa ra hướng giải quyết. Sở cùng các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến để ND nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ, lợi ích của việc tham gia liên kết sản xuất; tuyên truyền để ND hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đã đồng thuận tham gia ký kết hợp đồng liên kết, tạo được mối liên kết chặt chẽ và bền vững, hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện. Hỗ trợ xây dựng và kiện toàn các tổ chức đại diện của ND tại từng cánh đồng để liên kết, hỗ trợ ND trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả và bền vững. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với ND, thiết lập và duy trì được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ND trong chia sẻ thông tin thị trường, kỹ thuật, kiến thức, chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức giao dịch thanh toán, cung cấp các dịch vụ giống, phân bón và các dịch vụ khác,... Xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh, phát triển các sản phẩm chất lượng cao (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...).

“Đồng thời, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường như hỗ trợ tìm kiếm các đối tác, mời gọi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm; xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin./.

Châu Sơn

Nguồn: https://baolongan.vn/lien-ket-hop-tac-huong-di-hieu-qua-cua-nong-dan-a168193.html
Tin liên quan