|
  • :
  • :

LinkSME đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

Với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua khó khăn, nâng cao khả năng cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (LinkSME) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tại hội thảo “Đồng hành cùng DNNVV thích ứng và phục hồi trong tình hình mới”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng USAID tổ chức vào sáng ngày 8/12, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Dự án LinkSME đã được thực hiện trong 3 năm, với nội dung ban đầu là hỗ trợ kết nối DNNVV với các doanh nghiệp đầu chuỗi. Tuy nhiên, năm 2021 với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, USAID đã bổ sung thêm 2 nội dung cho phù hợp nhu cầu của DNNVV và mong muốn của Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu vực doanh nghiệp này, đó là hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính và chuyển đổi số.

LinkSME đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới
Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo

Kết quả là, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV cũng như các hoạt động của Dự án USAID LinkSME, tuy nhiên, với nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án USAID LinkSME, gần 1 năm vừa qua (năm 2021), nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV đã triển khai và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, về hỗ trợ kết nối với DNNVV với doanh nghiệp đầu chuỗi: Đã có 64 đơn hàng kết nối thành công với giá trị các đơn hàng đạt gần 1,3 triệu USD. Đồng thời, đã tổ chức được 11 khóa đào tạo cho DNNVV về kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hơn 700 DNNVV trong các ngành, lĩnh vực hỗ trợ của dự án. Các hoạt động hỗ trợ DNNVV nâng cấp kỹ thuật nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Về hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, mặc dù đây là hoạt động mới triển khai của dự án nhưng trong thời gian ngắn (5 tháng) đã hỗ trợ 5 DNNVV vay vốn thành công với tổng số vốn vay đạt gần 40 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ thêm 2 doanh nghiệp ký kết hợp đồng vay vốn trong tháng 12 với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 55 tỷ đồng. Đồng thời, đã tổ chức 4 khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về tiếp cận và quản trị tài chính cho gần 300 DNNVV và tiếp tục tổ chức 2 khoá trong tháng 12/2021.

Về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số: Hiện đã có hơn 500.000 lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin về chương trình chuyển đổi số, trong đó gần 100.000 lượt đã tiếp cận các tài liệu, nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1-1 để giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp khi chuyển đổi số. Ngoài ra, dự án đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành cuốn sổ tay về chuyển đổi số; xây dựng khung đào tạo về chuyển đổi số theo hướng bền vững và các gói hỗ trợ chuyển đổi số theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

Chia sẻ về lý do hỗ trợ DNNVV, ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Dự án USAID LinkSME - cho rằng: DNNVV của Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất ra những sản phẩm có gía trị cạnh tranh toàn cầu, nhưng lại chưa đạt được điều đó do gặp phải những khó khăn về vấn đề liên quan đến tài chính, kết nối chuỗi cung ứng. Do đó, dự án đã được thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tự nâng cấp mình lên, tích cực hợp tác với các doanh nghiệp đầu chuỗi.

“Doanh nghiệp tham gia dự án sẽ thu được những lợi ích lâu dài là học hỏi được kinh nghiệm và bắt đầu sản xuất được những sản phẩm cung ứng cho doanh nghiệp toàn cầu, thông qua đó đảm bảo quyền lợi cho mình và tạo công ăn việc làm cho người lao động” – ông ông Daniel Fitzpatrick thông tin.

LinkSME đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo

Là một trong những doanh nghiệp được Dự án USAID hỗ trợ, ông Lê Duy Anh – Tổng gám đốc Công ty Xuân Hoà Việt Nam – cho biết: Doanh nghiệp bắt đầu hợp tác với dự án từ năm 2020, và trong suốt năm 2021 doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cán bộ dự án. Qua đó, "chúng tôi được hỗ trợ kết nối với khách hàng nước ngoài và nhận được đánh giá của các chuyên gia quốc tế về chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý, từ đó chúng tôi đã nhận ra những vấn đề của mình và tích cực tiếp thu, được những thành quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng và có thể kỳ vọng vào triển vọng năm 2022" - ông Lê Duy Anh thông tin.

Về vấn đề chuyển đổi số, ông Lê Duy Anh cho rằng, doanh nghiệp đã có ý thức về chuyển đổi số, nhưng loay hoay trong việc tìm hướng đi phù hợp, nhưng nhờ được tham gia dự án LinkSME, doanh nghiệp đã hình dung được quá trình chuyển đổi số phải diễn ra như thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Cũng là một doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ Dự án LinkSME, ông Nguyễn Công Lãm - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm An Vạn Thịnh (Lâm Đồng) - cho biết, tháng 10/2021, dự án đã kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính thành công với Ngân hàng HD Bank chi nhánh Lâm Đồng, được duyệt hạn mức vốn lưu động 45 tỷ đồng. Hiện tại, dự án cũng đang kết nối với Quỹ Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án trong 3 năm qua, đặc biệt là năm 2021, ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam - bình luận: LinkSME là dự án rất quan trọng nhằm hỗ trợ DNNVV vươn lên sau đại dịch Covid-19, vì đại dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, chưa biết khi nào sẽ kết thúc, nhưng cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn phản vươn lên để phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Với những kết quả và ý nghĩa trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2022, các hoạt động hỗ trợ DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án LinkSME sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho DNNVV thông qua việc tài liệu hoá và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc. Hy vọng các dự án sẽ có thêm những hoạt động hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng phát triển và chuyển dịch của thị trường trong nước và thế giới để có thể thích ứng, bền bỉ vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

Ông Lê Mạnh Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): 98% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là DNNVV, trong đó phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, quy mô nhỏ bé và năng lực hạn chế nên rất cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Nguyễn Hoà

Tác giả: Nguyễn Hoà
Nguồn: https://congthuong.vn/linksme-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-boi-canh-moi-168800.html
Tin liên quan