Nông dân Lục Thu hoạch cam. |
Bỏ thế độc canh
Với gần 30.000ha cây ăn quả, trong đó vải thiều hơn 15.000ha, cam 4.140ha và bưởi hơn 2.200ha, còn lại là một số loại cây ăn quả khác, Lục Ngạn ngày nay đã trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn ở miền Bắc. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất Lục Ngạn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vườn. Một số chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp nhận xét nhiều loại trái cây có xuất xứ ở nơi khác nhưng sẽ có chất lượng và sản lượng cao hơn khi trồng trên đồng đất Lục Ngạn. Mới đây, có dịp đến xã Giáp Sơn thuộc huyện Lục Ngạn, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những vườn cam, vườn bưởi sai lúc lỉu, vàng óng cả một vùng núi, có những cây bưởi cho đến hơn 200 quả.
Nhờ cây ăn quả, nhiều hộ dân có thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có gia đình thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Trò chuyện với người dân Lục Ngạn, chúng tôi được biết để có được những vườn cây đẹp mắt, cho giá trị kinh tế cao này, họ đã phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Trước đây, nông dân Lục Ngạn vốn chỉ biết đến cây vải thiều và câu chuyện được mùa - mất giá hoặc được giá - mất mùa năm nào cũng lặp đi lặp lại. Nhưng hiện điểm yếu này đã được khắc phục nhờ sự năng động tìm kiếm thị trường và đa dạng hóa cây trồng. Việc quy hoạch vùng trồng cây ăn quả của chính quyền cũng góp phần giúp nông dân phá vỡ thế độc canh cây vải, định hướng cho nông dân phát triển đa dạng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm giờ đây đã được nông dân quan tâm nhiều hơn, thực hiện chuyên nghiệp hơn. Một số loại trái cây của Lục Ngạn hiện đã được xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Nhật Bản...
Đánh thức du lịch vườn đồi
Vào thời điểm vào mùa thu hoạch rộ, các loại trái cây như cam, bưởi ở Lục Ngạn có tổng sản lượng ước đạt 60 - 70 nghìn tấn, tăng 7 - 10 nghìn tấn so với trước đây. Ông Nguyễn Văn Hồng, một nông dân ở Lục Ngạn cho biết nhà ông có gần chục hecta trồng vải thiều, cam lòng vàng và bưởi da xanh. Vụ vải năm nay mất mùa chỉ thu được hơn 150 triệu đồng, trong khi từ đầu vụ đến nay gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng từ cam, bưởi và ước đến cuối vụ sẽ thu thêm khoảng 200 triệu đồng nữa từ các loại quả này.
Dịch vụ xe trâu đưa đón khách tham quan vườn cây ăn quả. |
Vườn cây ăn quả đa dạng, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên vài năm gần đây, chính quyền địa phương đã đặt ra bài toán phát triển du lịch vườn đồi trong mùa quả tại Lục Ngạn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành làm tour, chính quyền đã thu thập thông tin, cung cấp địa chỉ, số điện thoại của các chủ vườn có vườn đẹp, dịch vụ tốt.
UBND huyện Lục Ngạn cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức các đợt khảo sát tour, tuyến với sự tham gia của các công ty lữ hành; tổ chức tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho khoảng 50 người là các chủ vườn, lực lượng hướng dẫn, đưa đón khách ở 20 nhà vườn đủ tiêu chuẩn thuộc 6 xã được lựa chọn; hỗ trợ chủ vườn từ 300 - 500 nghìn đồng/đoàn khách tham quan, bố trí hỗ trợ phông bạt, bàn ghế cho các chủ vườn để đón khách.
Những món ăn được làm từ cam, bưởi. |
Ngoài ra, huyện còn tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng với quy mô khoảng 80 gian hàng, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm vùng cây ăn quả, làng nghề và các danh lam, di tích lịch sử văn hóa, góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân và quảng bá cho trái cây Lục Ngạn.