Doanh nghiệp cần nhận biết rõ “kẻ thù”
Phát biểu tại phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với dịch Covid-19” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức sáng ngày 10/9, PGS, TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam – cho biết: Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với liên tục các biến chủng mới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là khi các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh vẫn đang được thực thi ở nhiều địa phương.
PGS, TS Trần Đắc Phu một lần nữa khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, “Không chống được dịch cũng chết, mà không làm kinh tế được cũng chết, nên bài học đặt ra là chúng ta phải sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào thì cần có giải pháp”.
Sống chung với dịch là giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 đang diễn biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, dịch diễn biến tại nhiều địa phương, doanh nghiệp, nhưng mỗi nơi lại có những diễn biến và điều kiện phát triển khác nhau. Nên không thể có một giải pháp cho tất cả các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp áp dụng chung, mà cần những cách áp dụng khác nhau theo kiểu “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tuy nhiên, có một điểm chung là, để chống được dịch Covid-19 thì trước tiên doanh nghiệp cần hiểu về cơ chế lây lan của dịch bệnh, để có những biện pháp chống dịch phù hợp dựa trên cơ sở khoa học.
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Viết Lượng - Chính ủy Học viện Quân y - cho rằng: Hiện nay chúng ta đang có 2 xu hướng chống dịch, xu hướng thứ nhất, một số quốc gia thì lý tưởng hóa cho rằng, làm sao đưa virut về con số 0, không có dịch. Còn xu hướng thứ 2 nhiều hơn, là chúng ta không bao giờ chấm dứt được dịch và không thể đưa Covid-19 về con số 0. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm thứ 2.
Theo đó, để sống chung an toàn, sản xuất chung an toàn với Covid-19, PGS, TS Nguyễn Viết Lượng cho rằng, doanh nghiệp nên tiếp cận theo hướng thứ 2, muốn tiếp cận được thì phải nhận rõ "kẻ thù", đó là bản chất của con Covid-19, và nhận biết rõ nhất cơ chế lây qua đường hô hấp, chủ yếu là giọt bắn, cho dù giọt bắn lớn hay giọt bắn nhỏ. Khi nhận biết rõ được kẻ thù, thì giải pháp đưa ra phải đúng, nhất là đối với các doanh nghiệp, như vậy mới đạt hiệu quả và đỡ lãng phí nguồn lực.
Doanh nghiệp chấp nhận sống chung với dịch
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã xác định “sống chung với dịch” là điều kiện tiên quyết, đóng vai trò quan trọng để ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Là một doanh nghiệp đã từng xuất hiện các ca F0 vào hồi cuối tháng 5/2021, một doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bắc Ninh xác định sống chung với dịch là giải pháp quan trọng để ổn định sản xuất. Theo đó, để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, công ty đã hạn chế tiếp xúc công nhân giữa các xưởng bằng cách chỉ cho công nhân đi lại trong xưởng của mình, để nếu có ca F0 xuất hiện thì chỉ dừng sản xuất một xưởng thay vì cả nhà máy. Đồng thời với đó, yêu cầu tất cả người lao động sử dụng khẩu trang, kính chắn giọt bắn trong quá trình sản xuất và liên tục xét nghiệm Covid-19 cho người lao động để hạn chế nguy cơ, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực Hà Nội – Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN: Bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại nhằm sống chung với dịch, thì Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp nhằm phân loại doanh nghiệp theo hướng đáp ứng yêu cầu về tiêu chí sản xuất xanh, từ đó tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị đuối trong bảng xếp hạng phân loại, để khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các doanh nghiệp có sự đồng đều, đáp ứng được các yêu cầu sản xuất xanh an toàn.
TS Lê Duy Bình cho rằng: Để sống chung an toàn với dịch thì doanh nghiệp cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất là phòng, chống dịch hiệu quả tại nơi làm việc, nơi sản xuất, đây là giải pháp tiên quyết duy trì kế hoạch phục hồi, sản xuất, kinh doanh; Thứ 2, tìm những nhóm giải pháp lưu chuyển hàng hóa an toàn, bởi hàng hóa sau khi đã được sản xuất cần được lưu thông an toàn, có như vậy mới kích thích lại sản xuất; Thứ 3, là nhóm giải pháp can thiệp hành chính, phương diện quản lý của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.
Điều đó càng cho thấy, sống chung với dịch Covid-19 là yêu cầu cần thiết hiện nay, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội, tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì chưa đủ, mà cần sự chung tay của Chính phủ và cơ quan chức năng.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử: Để hình thành mô hình sản xuất xanh, chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần có các cơ quan y tế, cơ quan dịch tễ vào cuộc để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đưa ra những giải pháp hữu hiệu. |
Nguyễn Hòa