Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 1.224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán (ngân sách trung ương đạt 87% dự toán; ngân sách địa phương đạt 96,7% dự toán). Trong đó thu nội địa: đạt 998,2 nghìn tỷ đồng, bằng 88% dự toán; thu từ dầu thô: đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, bằng 143% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: đạt 192,2 nghìn tỷ đồng, bằng 107,7% dự toán.
Tổng chi ngân sách Nhà nước luỹ kế 10 tháng đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 85,37 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán; chi thường xuyên đạt gần 798,1 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn đang chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020 |
Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ước tính đến hết tháng 10/2021, ngân sách Nhà nước đã chi 31,55 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, trung ương đã chi 24,88 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 18,13 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vắc xin và chi cho công tác phòng, chống dịch; mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; 6,337 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vắc xin và 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.
Các địa phương đã chi từ ngân sách là 25,89 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất 7,94 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để mua vắc xin; xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 137,09 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho 31 địa phương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cũng theo Bộ Tài chính, công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển 10 tháng năm 2021 mới đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt 67,25%.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách Nhà nước 10 tháng có thặng dư; trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ Nhà nước, vừa bảo đảm nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Về trả nợ của Chính phủ, lũy kế 10 tháng, tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 298.222 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch căn cứ Quyết định 856/QĐ-TTg, trong đó nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 278.577 tỷ đồng (76,1% kế hoạch); nghĩa vụ trả nợ cho vay lại khoảng 19.646 tỷ đồng (69,5% kế hoạch).
Quang Lộc