|
  • :
  • :

Ngành chăn nuôi Hà Nội: Bảo đảm nguồn cung cho thị trường

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường phục vụ nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh...

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Trong ảnh: Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Trong ảnh: Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam.

Duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm

Bà Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), chủ của một trong những trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh đầu tiên của Hà Nội cho biết: Mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực, song trang trại của gia đình bà vẫn duy trì hoạt động ổn định. Sản phẩm có tem nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nên trung bình mỗi tháng trang trại bán ra thị trường gần 1.000 con gà thịt...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng thông tin thêm, do thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động chăn nuôi bị ảnh hưởng nhất định, nhưng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, riêng đàn lợn đã lên tới hơn 90.000 con.

Trong khi đó, với hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhiều trang trại ở huyện Ứng Hòa tiếp tục sản xuất ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, thời điểm hiện tại, hợp tác xã vẫn duy trì hơn 2.400 lợn nái và 17.000 lợn thương phẩm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn thịt lợn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Mặc dù chăn nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với những “vùng xanh” (vùng an toàn không có dịch Covid-19), ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi vừa phòng, chống dịch, vừa gia tăng sản xuất nhằm ổn định tổng đàn. Vì vậy, đến hết tháng 8-2021, đàn bò đã lên tới 134.136 con (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020), đàn lợn đạt khoảng 1,3 triệu con (tăng 12,3%), đàn gia cầm 39,8 triệu con (tăng 0,4%)… Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.

Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam.
Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam.

Bảo đảm "mục tiêu kép" trong chăn nuôi

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa thì hoạt động lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, lúc đó giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy khiến các chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm trên thị trường... Nhằm chủ động ứng phó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, chủ trang trại chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt "mục tiêu kép" trong chăn nuôi: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn vật nuôi ở các “vùng xanh” để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, thành phố phấn đấu duy trì đàn bò 164.000 con, đàn lợn 1,8 triệu con, đàn gia cầm khoảng 41 triệu con...

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương phát triển chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, trang trại; thúc đẩy việc tái đàn và hạn chế rủi ro từ tình trạng “dịch chồng dịch”. Cùng với đó là tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp lưu thông sản phẩm; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng của một số địa phương để tiêu thụ qua các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi thực phẩm, các chợ đầu mối”, ông Nguyễn Huy Đăng thông tin.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Vì có hơn 11.000 con bò sữa và hơn 5,3 triệu gia cầm… Huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn cơ sở chăn nuôi vừa bảo đảm sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn, yêu cầu người lao động ăn, nghỉ và làm việc tại chỗ để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố lên phương án kết nối, tiêu thụ gia súc, gia cầm cho người dân...

Ở góc độ người chăn nuôi, ông Dương Văn Tĩnh, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) cho biết: Với diện tích 5ha kết hợp nuôi cá và chăn nuôi lợn, gà, trang trại đã, đang thúc đẩy sản xuất với nhiều giải pháp như: Yêu cầu người lao động ăn, nghỉ tại nơi sản xuất; tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi; hằng ngày tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường xung quanh trang trại.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm để chủ động, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để làm được điều đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người chăn nuôi cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn.

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/kinh-te/202109/nganh-chan-nuoi-ha-noi-bao-dam-nguon-cung-cho-thi-truong-781923/
Tin liên quan
Chưa có thông tin