|
  • :
  • :

Nhân công miệt vườn: hàng hiếm!

Làm nông thu nhập thất thường, lại cực nhọc, phải dầm mưa dãi nắng nên khoảng chục năm gần đây trai gái trong xóm lần hồi bỏ quê đi làm công nhân.

Hiện nay ở miệt vườn, việc đào ao mương, dọn dẹp vườn cây… rất khó kiếm người làm, dù tiền công rất cao.
Hiện nay ở miệt vườn, việc đào ao mương, dọn dẹp vườn cây… rất khó kiếm người làm, dù tiền công rất cao.

Nghe bà Ba than, ông Phạm Thanh Cường (Năm Cường, 61 tuổi, hàng xóm bà Ba) nói: “Mấy năm nay rồi, nhân công miệt vườn thiếu dữ lắm! Những việc như vét ao, móc bùn đắp vườn, làm cỏ… rất khó tìm được người làm, dù công xá khá cao. Người ta chê công việc cực khổ, dơ bẩn vì suốt ngày phải ở ngoài nắng, lấm lem bùn đất”!

Theo lời ông, làm nông thu nhập thất thường, lại cực nhọc, phải dầm mưa dãi nắng nên khoảng chục năm gần đây trai gái trong xóm lần hồi bỏ quê đi làm công nhân. Trước thì rủ nhau đi tận Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, gần đây nhiều người quay về làm công nhân ở miệt Hiệp Đức, Cẩm Sơn, Hội Xuân… của huyện Cai Lậy giáp ranh Cái Bè hoặc các nhà máy ở khu công nghiệp bên Tân Hương, Long Giang thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang), bên Long An…

“Các khu công nghiệp giờ mọc lên ở nhiều nơi nên tụi nhỏ sau này không cần bỏ quê đi làm ăn xa như lớp trước. Sáng tụi nó đón xe nhà máy đi làm, chiều về. Tuy tụi nó vẫn ở quê, nhưng chuyện dọn cỏ, móc bùn, làm vườn… vẫn không có người làm. Lớp già ở không nhưng không còn sức. Giờ trả 350.000 đồng/ngày mà kiếm người dọn vườn không ra”. - ông Năm nói.

Cơ giới hóa sản xuất là một yếu tố quan trọng làm dư thừa lao động nông nghiệp, khiến lao động nông thôn bỏ đi nơi khác làm công nhân.
Cơ giới hóa sản xuất là một yếu tố quan trọng làm dư thừa lao động nông nghiệp, khiến lao động nông thôn bỏ đi nơi khác làm công nhân.

Chuyện của bà Ba và ông Năm Cường khiến nhiều người nhớ lại, hồi cuối năm 2020 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) công bố một báo cáo, nêu: trong thập niên 2009 - 2019, gần 1,1 triệu người dân ĐBSCL rời quê đi nơi khác kiếm sống, trở thành vấn đề nhức nhối của khu vực.

Khi đưa ra con số gây chấn động này, các nhà nghiên cứu cho rằng: người dân buộc phải rời bỏ vùng đất màu mỡ từng được mệnh danh là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước để về TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… kiếm sống là do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… ngày càng gay gắt khiến nghề nông gặp nhiều rủi ro, thu nhập không ổn định...

Từ đó, nhiều người ly nông và chấp nhận ly hương để tìm sinh kế ở các vùng đô thị. Để giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nếu các tỉnh ĐBSCL xây dựng thêm nhà máy, công xưởng để thu hút lao động, thì làn sóng di dân ở miền Tây Nam bộ sẽ chấm dứt, người nông dân không còn cảnh ly hương…

Hiện nay, cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều các khu công nghiệp, các nhà máy ở vùng ĐBSCL, làn sóng ly hương tại các tỉnh đồng bằng đã có phần được hạn chế, tuy nhiên, lại gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp - đặc biệt là nhân công làm vườn - tại các tỉnh. Lý do là khi có các nhà máy, xí nghiệp ở gần nhà, thanh niên trai tráng còn lại ở nông thôn càng không muốn tiếp tục làm nông nghiệp; trong khi đó, không như sản xuất lúa đang ngày càng được cơ giới hóa, việc làm vườn vẫn cần nhiều lao động phổ thông.

Ở nhiều nơi, nhà cửa khang trang không người ở do lao động nông thôn bỏ xứ đi nơi khác làm công nhân.
Ở nhiều nơi, nhà cửa khang trang không người ở do lao động nông thôn bỏ xứ đi nơi khác làm công nhân.

Thừa nhận vùng chuyên canh cây ăn trái đang thiếu nhiều lao động phổ thông nhưng chưa có giải pháp nào để khắc phục, ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Ở xứ tui bây giờ thiếu người làm vườn dữ quá. Bình thường có khi phải tìm 5 - 7 ngày mới có được 1 - 2 lao động từ nơi khác đến, tiền công 300.000 - 350.000 đồng/ngày nhưng làm xong việc là phải cho thêm, chưa kể phải cho ăn nhậu, nếu không, lần sau gọi họ dứt khoát không làm”.

Nếu cơ giới hóa nông nghiệp là lời giải cho bài toán nhân công trong sản xuất nông nghiệp nói chung - mà sản xuất lúa là ví dụ cụ thể về hiệu quả - thì lời giải cho nhân công trong việc làm vườn vẫn là một ẩn số đang chờ nhiều địa phương giải đáp...

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202109/nhan-cong-miet-vuon-hang-hiem-781447/
Tin liên quan