|
  • :
  • :

Nhiều cơ hội "bùng nổ" M&A trong năm 2022

Với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ”, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) 2021 được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 9/12, đã đưa ra những dự báo khẳng định, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tăng mạnh vào năm 2022.

Diễn đàn M&A 2021 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang nỗ lực chống chọi, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, kết thúc tháng 11/2021, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt 26,46 tỷ USD, trong đó tổng giá trị M&A thông qua góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 4,4 tỷ USD.

Nhiều cơ hội
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn

Trong khi đó, theo số liệu của KPMG, trong 10 tháng 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và tăng 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.

“Sự tăng trưởng của M&A tại Việt Nam trong năm qua bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn cho cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cho thấy các doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh cũng như các giải pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Những yếu tố thuận lợi tạo sự bùng nổ cho thị trường M&A trong năm 2022 được các chuyên gia nhắc đến là, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… đang bơm một lượng tiền lớn để phục hồi, kích thích nền kinh tế phát triển. Theo đó, dòng vốn rẻ, dồi dào đang được nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư sử dụng trong các chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị toàn cầu, đầu tư cho các mô hình phát triển mới vào các doanh nghiệp, dự án có tiềm năng trong tương lai, và Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn để các nhà đầu tư lựa chọn giải ngân dòng vốn này.

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có những FTA lớn như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Nhiều cơ hội
Ông Warrick Cleine – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia phát biểu tại sự kiện

Liên quan đến yếu tố này, bà Võ Hà Duyên - Chủ tịch Công ty Luật VILAF - cho rằng: Những hiệp định này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… từ đó tạo cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, trở thành chất xúc tác cho M&A tăng trưởng.

Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng hoàn thiện, sẽ tạo bàn đạp vững chắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo đó, nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, thực hiện đầu tư - kinh doanh trong sửa đổi các Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư 2020… đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực lên M&A trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội. Chương trình này không chỉ là gói kích thích phục hồi kinh tế được lượng hoá bằng vốn lớn, mà còn là việc điều chỉnh chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu, rộng hơn. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao… cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đồng nghĩa, hạng mục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được rộng mở hơn, nhiều sự lụa chọn.

Một yếu tố khác đang trợ lực cho thị trường M&A đó là, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào M&A. Liên quan đến vấn đề này, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia - cho rằng: Nếu như trước đây M&A chủ yếu là các thương vụ của các doanh nghiệp FDI, thì những năm gần đây vai trò của các doanh nghiệp trong nước đối với hoạt động M&A đang gia tăng mạnh mẽ. Trong đó, có 5 doanh nghiệp trong nước năm 2021 đã tích cực với các thương vụ M&A, như: VinGroup, HPGroup, Vinamilk; Massan; Novaland.

“Dự báo, M&A vẫn là xu hướng được tiếp tục của các tập đoàn lớn Vệt Nam trong tương lai” – ông Warrick Cleine khẳng định.

Theo các diễn giả đưa ra tại diễn đàn M&A, những lĩnh vực được dự báo sẽ hút các thương vụ M&A trong thời gian tới là: Ngành bán lẻ, bất động sản, tài chính-ngân hàng, năng lượng và y tế, giáo dục… Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam cũng được dự báo hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A.

Mặc dù dự báo có sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, thị trường M&A trong nước vẫn còn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách. Theo đó, để hỗ trợ cho thị trường M&A có sự bứt phá, trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đàm phán các thương vụ M&A thành công, nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng, có thêm những chính sách thuận lợi, thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hoá các kênh hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc cho nền kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Nguyễn Hoà

Tác giả: Nguyễn Hoà
Nguồn: https://congthuong.vn/nhieu-co-hoi-bung-no-ma-trong-nam-2022-168882.html
Tin liên quan