Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư thị xã Đông Triều thăm vườn na của người dân xã Tân Việt (thị xã Đông Triều). |
Trên đây là những giải pháp cấp bách được thị xã Đông Triều thực hiện để đồng hành cùng với người nông dân tiêu thụ sản phẩm na, với mục tiêu vừa kích cầu lưu thông nông sản, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Na dai Đông Triều là một trong những sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương được biết đến với vị thanh ngọt, vỏ mỏng, căng bóng… Trước đây thị trường tiêu thụ chính ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình... Tuy nhiên, trong niên vụ này do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 na dai tiêu thụ chậm, mặc dù mới đầu vụ nhưng giá giảm một nửa so với vụ na năm 2020.
Chị Nguyễn Thị Trà, thôn Khê Thượng xã Việt Dân là hộ gắn bó với trồng na dai nhiều năm nay. Với kinh nghiệm trồng kết hợp với khoa học kỹ thuật, na dai của gia đình chị được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với chất lượng, mẫu mã đẹp nên vẫn bán được với mức giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg tại vườn. Nhiều hộ dân không chăm sóc được, na dai thường chỉ bán được khoảng từ 12.000 - 20.000 đồng/kg. Chị Trà cho biết, năm nay giá na dai giảm khoảng một nửa, sức mua chậm, thương lái vào ít hơn do dịch bệnh.
Theo các thương lái thu mua na dai tại thị xã Đông Triều, việc vận chuyển na đi ra các tỉnh chưa bao giờ lại khó khăn như hiện nay, nhưng các thương lái cũng phải khắc phục. Chị Đỗ Thị Hưng thôn Tam Hồng, xã An Sinh đã thu mua na trên 20 năm cho biết, năm nay lượng xe từ các nơi về thu mua giảm một nửa, vì thị trường chủ yếu ở Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Để chia sẻ kinh phí xét nghiệm COVID-19 với các lái xe vào thu mua na, chị thống nhất với các thương lái sẽ hỗ trợ 200.000 đồng/xe.
Ngoài ra, một số thương lái từ tỉnh ngoài vào thu mua mong muốn, chốt kiểm soát dịch cổng tỉnh tại Đông Triều sẽ tạo điều kiện để các xe vào thu mua na sẽ được lưu thông nhanh chóng hơn vì đây là mặt hàng mau hỏng.
Với tình hình thực tế này, thị xã Đông Triều đã chỉ đạo các phòng, ban tổ chức thực hiện một số biện pháp cấp bách. UBND thị xã Đông Triều đã cấp 125 logo “xe chở hàng na dai Đông Triều (hàng mau hỏng)” kèm biển kiểm soát các phương tiện. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng trực chốt kiểm soát dành một luồng riêng cho các xe này để không phải chờ đợi cùng với các xe container, xe con... thực hiện các thủ tục kiểm soát dịch trong thời gian nhanh nhất.
Từ ngày 21/7 Đông Triều tổ chức lấy gộp mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tại trạm y tế xã Việt Dân. Sau đó, chuyển lên bệnh viện Việt Nam Thụy Điển ở Uông Bí để xét nghiệm nhằm giảm chi phí và trả mẫu cho lái xe qua mạng; chỉ đạo các chốt chấp nhận chữ ký số để xe chở na qua chốt trong thời gian nhanh nhất.
Na dai Đông Triều là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương, có chất lượng, mẫu mã đẹp. |
Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư thị xã Đông Triều khẳng định, địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa cho các thương lái để người dân tiêu thụ được nhiều na, ở nhiều thị trường và không để na dai bị ép giá.
Ông Công phân tích, từ trước đến nay người dân chủ yếu bán ở các kênh thương lái thu mua (chiếm trên 80%). Do vậy, địa phương tập trung tạo điều kiện để vừa phòng, chống dịch, vừa thuận tiện qua chốt vào thị xã. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho bà con kết nối với các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Lazada.…
Địa phương cũng xây dựng và đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử dongtrieumart.vn để quảng bá, giao dịch hàng hóa cho bà con nông dân; khuyến khích người dân giới thiệu, tiêu thụ na trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook. Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức tuần tiêu thụ na tại thành phố Hạ Long để đông đảo người tiêu dùng biết và lựa chọn na Đông Triều, kích cầu thị trường nội địa.
Ông Lê Hải Câu, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Việt chia sẻ, để na không chín dồn, dễ bị mất giá, địa phương đã tuyên truyền người dân cắt bỏ những quả lép, mọc dày để quả na đạt chất lượng; đồng thời, giãn thời gian thu hoạch na, kéo dài thời gian thu hoạch.
Hiện nay, thị xã Đông Triều có 800 ha na (chủ yếu là na dai) được trồng tập trung tại các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê, với 1.550 hộ trồng, sản lượng dự kiến 6.500 tấn quả.
Na Đông Triều có chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, quá trình trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch được kiểm soát, hiện có trên 350 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có bao bì, nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Đến cuối tháng 7 ước thu hoạch đạt trên 5% diện tích.