|
  • :
  • :

Nhiều nông dân lên mạng tìm phương thức giao dịch với Alibaba, Amazon

Nhiều nông dân lên mạng tìm phương thức giao dịch với Alibaba, Amazon

Nông thôn là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, nông nghiệp là một trong 8 ngành được Chính phủ ưu tiên lựa chọn để đáp ứng được các chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, liên quan đến nhiều tác nhân khác nhau: quản lí nông nghiệp, các doanh nghiệp, hiệp hội, bà con nông dân…

Toàn cảnh hội nghị

Ông Toản dẫn lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Năm 2023 là năm thực hiện mục tiêu chuẩn hóa, thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp”, để nói người nông dân vẫn là căn cốt của mọi chủ thể nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

“Xu hướng số đang dịch chuyển nền kinh tế số. Vùng nông thôn sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số”, ông Toản nhận định.

Ông nói, về nông thôn ngày nay, bản thân người nông dân đều sử dụng smartphone, đều biết dùng mạng xã hội. Về ĐBSCL, ông thấy nhiều hội nhóm, hội quán được lập ra và sự tương tác của họ vô cùng năng động. Nhiều nông dân chủ động lên mạng tìm phương thức giao dịch, thậm chí giao dịch với Alibaba, Amazon… Nhiều hợp tác xã của chúng ta đã làn được.

Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp của các nước. Chẳng hạn, tại Trung Quốc từ năm 2005 tới năm 2022, người ta đã xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ nông nghiệp, đề ra chiến lược chấn hưng nông thôn 2018 – 2022, thúc đẩy kinh tế số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nông nghiệp. Đồng thời, phát triển nhanh thương mại điện tử nông thôn, phủ sóng toàn diện internet tại nông thôn và thúc đẩy kinh tế nông thôn…

Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp

Theo đó định hướng của Chính phủ Việt Nam về CĐS nông nghiệp, đó là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; Thúc đẩy phát triển nông dân số; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; Tự động hóa quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc quy trình sản xuất; Giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; Phát triển thương mại điện tử trong ngành nông nghiệp; Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để CĐS thành công, Việt Nam cần phải giải quyết các nút thắt về nhận thức, thể chế CĐS trong quản lý, điều hành; về kiến trúc dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; về hạ tầng thiết bị, về phần mềm phục vụ chỉ đạo, về nguồn lực đầu tư…

AI có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất

TS Trần Quý – Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam – cho hay, AI đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Sử dụng AI có thể giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng suất và giảm thiểu chi phí, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Trần Quý chỉ ra một số ứng dụng AI trong nông nghiệp tại Việt Nam như Dự báo thời tiết và mô hình hóa tài nguyên nước; Theo dõi sức khỏe cây trồng và phát hiện bệnh tật; Ứng dụng robot tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp; Tăng cường hiệu quả sản xuất bằng cách tối ưu hóa phân bón và thuốc trừ sâu; Tăng cường quản lý đàn gia súc và giảm thiểu tác động đến môi trường…

TS Trần Quý

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức trong ứng dụng AI trong nông nghiệp tại nước ta. Giá phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang cao, nhất là trong những năm gần đây khi các công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ. Nông dân Việt Nam cũng cần được đào tạo để sử dụng các công nghệ mới. Ngoài ra, theo ông Quý, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

“Để tận dụng tối đa tiềm năng của AI trong nông nghiệp cần có sự đầu tư và nghiên cứu, cần sự hợp tác giữa nhà sản xuất công nghệ, chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu của thị trường.

PGS.TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam - nhấn mạnh đến các giải pháp quản lý chất lượng nông sản. Để nông sản có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, bán được giá, cần sản xuất theo tiêu chuẩn Gap nói chung, phải được minh bạch có giám sát theo chuỗi giá trị, phải có hợp đồng tiêu thụ, xuất khẩu chính ngạch có giám sát, xác nhận chất lượng của bên thứ ba và các cấp quản lý.

PGS.TS Mai Quang Vinh

“Tại các nước EU tuy đã có trình độ phát triển nông nghiệp cao, quy mô lớn, hằng năm mỗi  ha canh tác vẫn được Liên minh châu Âu tài trợ cho nông dân 250 Euro (hơn 6 triệu đồng/ha) cho quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường nông nghiệp. Mỗi ha phải đóng phí 100 Euro/ năm giao cho Trung tâm dịch vụ vùng hỗ trợ cho giám sát, kiểm tra chất lượng”, ông Vinh lấy ví dụ.

PGS.TS Mai Quang Vinh  đề xuất, nhà nước cần ban hành chế tài ứng dụng cho các loại nông sản được nhà nước đầu tư hỗ trợ, các loại nông sản đủ điều kiện quản lý chất lượng. Đồng thời, có chương trình khuyến nông chuyển đổi số nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ CĐS quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho vùng nuôi trồng và sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam

Tại hội thảo, đại diện của các doanh nghiệp, đơn vị cũng chia sẻ đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm về thực tiễn ứng dụng AI vào trong hoạt động sản xuất, như ứng dụng AI vào truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, giải pháp ánh sáng và điều khiển ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thông minh, giải pháp đánh giá sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, hệ thống quản lý, điều khiển nông trại lớn bằng trí tuệ nhân tạo...    

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội NN&PTNT phát biểu, sau hội nghị này, Ban tổ chức sẽ có những ý kiến, kiến nghị kịp thời bằng văn bản gửi tới Chính phủ, bộ ngành, để có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển CĐS nói chung và công nghệ AI nói riêng trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Có mấy câu hỏi cần được làm rõ: 

- Chính phủ, Bộ NN&PTNT phải làm rõ ngành nào, lĩnh vực nào trong nông nghiệp có thể đi trước một bước thì cần phải ưu tiên hơn nhằm tạo ra đột phá. Chính sách đi theo là gì, để có thể trở thành một mô hình dẫn dắt?

- Ai làm, ai đưa trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp?

- Ai đồng hành, dẫn dắt?

- Vì ứng dụng công nghệ mới, chi phí cao, rủi ro nhiều, ai bảo hộ?

-  Chính phủ cần có quy hoạch, quy định, chiến lược rất cụ thể ra sao, để làm sao sớm, bền vững, nhất quán trong việc đưa trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp?

(Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam)

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nhieu-nong-dan-len-mang-tim-phuong-thuc-giao-dich-voi-alibaba-amazon.ngn
Tin liên quan
Chưa có thông tin