|
  • :
  • :

Những bài học kinh nghiệm trong quy hoạch vùng trồng

Một trong những giải pháp được xem là "chiếc đũa thần" giải quyết triệt để tình trạng giải cứu nông sản, đồng thời khai thác tối đa lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tuy vậy, tình trạng giải cứu nông sản, điệp khúc “chặt - trồng, trồng - chặt” như căn bệnh nan y của nền nông nghiệp vẫn chưa được chữa khỏi. Vì sao như thế? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

 

 

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt: Đảm bảo khâu tiêu thụ để giữ vững quy hoạch cây trồng, vùng trồng

Sản xuất chưa căn cứ nhu cầu thị trường là điểm yếu chung của nông dân hiện nay. Điều đó thể hiện cụ thể qua thói quen thấy người khác trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả là rủ nhau làm theo mà ít chịu suy nghĩ một cách thấu đáo đến việc nuôi, trồng xong sẽ bán cho ai, bán ở đâu, bán như thế nào, càng không quan tâm đến quy hoạch cây trồng, vùng trồng của Nhà nước, dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng trồng. Để khắc phục điều này, mỗi vùng, mỗi địa phương cần định hướng quy hoạch cụ thể và sâu rộng trong xã hội, kêu gọi nông dân tôn trọng và tuân thủ quy hoạch vì đây là việc được tính toán trên cơ sở khoa học giúp nông dân ổn định và phát triển sản xuất. Về phía Nhà nước, cần quan tâm kêu gọi liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể quản lý được sản lượng; khắc phục điểm yếu trong xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo cho việc tiêu thụ nông sản; gắn việc hình thành các vùng chuyên canh với chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản để tạo nguồn tiêu thụ ổn định, lâu dài tại chỗ cho nông dân trong vùng quy hoạch. Một yếu tố khác cần lưu ý nữa là sớm có chính sách đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến để khắc phục tính chất thời vụ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An: Quan trọng nhất là thay đổi được tư duy

Ngành nông nghiệp tỉnh Long An xác định quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành vì vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp cho công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải.

Trong thời gian qua, đối với từng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, Long An có quy hoạch đề án phát triển cụ thể như: Quy hoạch vùng lúa chất lượng cao 40.000ha khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, Đề án phát triển cây chanh, thanh long, tôm nước lợ... Hiện nay, thực hiện Luật Quy hoạch, Long An đang tích hợp các nội dung cụ thể vào Quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 để định hướng phát triển. Trước mắt giai đoạn 2021 - 2025, Long An tiếp tục thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ cao đối với cây lúa, rau, thanh long, chanh, con bò thịt và con tôm nước lợ để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính và gắn với xây dựng thương hiệu.

Từ kết quả thực hiện quy hoạch, chúng tôi nhận thấy quan trọng nhất là phải thay đổi cho được nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, vì điều đó sẽ giúp thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.

Kinh nghiệm thực hiện cũng chỉ ra rằng muốn quy hoạch vùng sản xuất một cách khoa học cần dựa vào các yếu tố lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nhưng phải đầu tư hạ tầng đồng bộ. Công tác tổ chức, triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm bám sát yêu cầu đặt ra nhưng phải vận dụng linh hoạt trong thực tiễn; tránh đầu tư dàn trải, tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã. Tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch để đảm bảo phát triển ngành có định hướng, bền vững, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quy hoạch ngành nông nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm,Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang: Sự phối hợp giữa ngành và địa phương là yếu tố quyết định

Những năm qua, An Giang đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn như vùng trồng xoài tượng da xanh hơn 6.000ha (Chợ Mới), vùng trồng nếp Phú Tân hơn 20.000ha mỗi vụ, vùng nuôi cá tra tập trung khép kín ứng dụng công nghệ 600ha (Châu Phú)…

Hiện nay theo Luật Quy hoạch mới nhất, sẽ không có quy hoạch ngành chỉ có quy hoạch tổng thể của tỉnh. Từ quy hoạch tổng thể, các ngành chuyên môn sẽ định hướng cụ thể để xây dựng và hình thành những vùng chuyên canh lớn. Trong quá trình triển khai, công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp giữa ngành và địa phương rất quan trọng, là yếu tố quyết định sự thành công của kế hoạch. Ngoài ra, khâu duy trì tuyên truyền, vận động và đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân là rất cần thiết. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho nông dân và cán bộ cơ sở những kiến thức cần thiết trong sản xuất cũng như tiếp cận thị trường. Đồng thời, hỗ trợ cho người sản xuất, các trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được các mô hình mẫu.

Tuy nhiên, công tác quản lý vùng chuyên canh cũng gặp không ít khó khăn do tập quán sản xuất đơn lẻ, chưa có sự gắn kết và tính đồng thuận cao trong việc hình thành vùng sản xuất tập trung theo mô hình kinh tế hợp tác. Do đó, việc thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ… trên quy mô lớn luôn là thách thức của ngành nông nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ số đã được 2 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn vào ngày 18/6/2021 sẽ là khởi đầu cho cuộc cách mạng phát triển các vùng nguyên liệu quy mô, chất lượng, có kiểm soát; kết nối được với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Hình thành các vùng chuyên canh lớn nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng

Đồng Nai hiện có nhiều vùng chuyên canh trái cây đặc sản có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ người dân sản xuất theo quy trình an toàn được quan tâm triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200ha cây trồng đạt chứng nhận GAP; 105 mã số vùng trồng trên diện tích gần 22.000ha với 6 loại cây trồng (chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh) và 41 mã số cơ sở đóng gói. Tỉnh đã xây dựng được 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; 17 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt.

Xuyên suốt quá trình xây dựng Nông thôn mới, Đồng Nai luôn tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn, nhất là đường giao thông và điện sản xuất, góp phần tạo điều kiện hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái… Trong đó, không chỉ các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh mà các tuyến đường nhựa, đường bê tông nối về các xã, vào tận cánh đồng sản xuất cũng được chú trọng đầu tư, tạo nhiều thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và mở rộng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao, cụm công nghiệp Phú Túc. Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến để nông sản có đầu ra ngày càng bền vững.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch: Thiếu nhiều điều kiện hỗ trợ

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp nói chung hay quy hoạch vùng trồng nói riêng là việc làm rất cần thiết nhằm hạn chế cảnh “được mùa - mất giá”, “trồng - chặt, chặt - trồng” gây thiệt hại cho nông dân và tổn thất cho xã hội. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng trồng sẽ giúp việc đầu tư khoa học, công nghệ và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp thuận lợi, hiệu quả hơn. Khó khăn hiện nay trong việc quy hoạch vùng trồng của Việt Nam là việc thiếu dữ liệu chính xác và đầy đủ về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thủy lợi… cũng như thông tin các loại cây trồng; đặc biệt, thiếu nhiều thông tin và các dự báo về thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn quá non yếu nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới trong nuôi trồng theo quy hoạch.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn CentralRetail: Không chủ động được thị trường

Việt Nam chưa thực hiện được quy hoạch vùng trồng xuất phát từ thực tế nông sản Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và quá phụ thuộc vào thị trường này nên việc xuất khẩu luôn trong thế bị động. Sản phẩm xuất đi Trung Quốc nhưng nông dân Việt Nam gần như không hiểu gì về thị trường này, cũng không phải là người chủ động bán mà thương nhân Trung Quốc mới là người chủ động.

Kỹ năng bán hàng là một trong những hạn chế lớn của nông dân Việt Nam. Để khắc phục điều này, nông dân Việt Nam cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường trước khi sản xuất và khi bán hàng, phải xác định rõ sản phẩm thế mạnh của mình là gì, ai cần nó. Trong sản xuất, nông dân phải tính chuyện lâu dài và phải nhớ nằm lòng là sản phẩm phải an toàn, đừng nghĩ trồng cho thật nhiều, thật rẻ.

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202108/nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-trong-quy-hoach-vung-trong-781064/
Tin liên quan
Chưa có thông tin