|
  • :
  • :

Nông dân lo lắng vì thiếu máy thu hoạch lúa

Vào thời điểm này, nhiều cánh đồng lúa Đông xuân cuối vụ trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Thế nhưng, tình trạng không có máy cắt lúa đến thu hoạch đang diễn ra cục bộ ở nhiều nơi, làm cho nông dân và ngành chức năng vô cùng lo lắng.

 

Do quá ngày cắt và bị sập nằm trong nước nên không ít diện tích có bông lúa bị úng, lên mộng gây thiệt hại cho nông dân. 

Chia sẻ trong tiếng nghẹn ngào khi có 1,3ha lúa Đông xuân của gia đình đã quá ngày cắt hơn 10 ngày qua nhưng vẫn chưa được thu hoạch, ông Hứa Văn Cường, nông dân ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, thông tin: “Nhiều ngày qua, tôi và đông đảo bà con ở đây mòn mỏi trông chờ máy cắt đến thu hoạch lúa mà không thấy, trong khi lúa đã chín khô bông ngoài đồng, có ruộng bị sập hoàn toàn nên hạt lúa bắt đầu lên mộng xanh khá nhiều. Bà con thì rất nóng lòng muốn cắt lúa sớm để hạn chế thiệt hại hơn nhưng “cò” lúa thì cứ hẹn lần, hẹn lựa mà không thấy máy cắt đến. Trường hợp muốn chuyển sang cắt lúa bằng tay thì cũng không có nhân công, mà nếu có cắt được thì cũng không có máy suốt nên nông dân đành bấm bụng chờ máy cắt”.

Cũng theo ông Cường thì cánh đồng lúa nơi đây có tổng diện tích hơn 20ha, với 3 giống lúa được bà con chọn canh tác trong vụ Đông xuân năm nay là OM 18, Đài thơm 8 và RVT. Hiện tại, các trà lúa đều trên 105 ngày nhưng chưa được thu hoạch. Trước khi cắt khoảng nửa tháng thì có “cò lúa” là người địa phương đến đặt tiền cọc để thu mua toàn bộ số diện tích trên, nhưng đến ngày cắt thì cứ để lúa chín khô ngoài đồng. Việc lúa quá ngày cắt mà chưa được thu hoạch đang gây thiệt hại và tạo sự lo lắng không nhỏ cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Lâm, có 1,3ha lúa (giống RVT) ở cặp ranh ruộng với ông Cường, cho hay: “Lúc gần ngày thu hoạch, tôi và bà con ở đây đều đánh giá năng suất lúa đạt từ 1-1,2 tấn/công (một công 1.300m2). Tuy nhiên, do kéo dài thời gian đến nay vẫn chưa được thu hoạch nên lúa bị sập hoàn toàn khá nhiều, cộng thêm bông lúa chín khô ngoài đồng; vì vậy đến khi thu hoạch thì năng suất lúa chỉ còn khoảng 600-700 kg/công là cao. Ngoài thiệt hại về năng suất thì những ngày qua, do xuất hiện nhiều cơn mưa nên bà con phải tốn thêm tiền mua xăng dầu bơm rút nước từ trên ruộng ra ngoài kênh để hạn chế bông lúa bị ngập úng trong nước. Riêng 1,3ha lúa của tôi đã tốn hơn 1,2 triệu đồng mua xăng dầu bơm nước trong gần 10 ngày qua. Với những thiệt hại đang diễn ra thì tôi và bà con nơi đây chỉ mong sao sớm có máy cắt lúa đến thu hoạch để đưa lúa về nhà, lúc này thương lái có cân hay không cũng không sao, bà con có thể tự phơi khô cũng được, chứ bao nhiêu tiền của đầu tư vào mà giờ bị thiệt hại qua từng ngày thì rất xót”.

Cũng từ việc khan hiếm máy cắt lúa nên đây là lần đầu tiên ở vụ lúa Đông xuân mà tiền thuê máy cắt đang ở mức từ 500.000-600.000 đồng/công (tùy theo lúa đứng hay bị sập ít, sập nhiều). Dù giá thuê ở mức cao nhưng việc nông dân tìm có máy cắt đến thu hoạch cho ruộng lúa nhà mình trong lúc này cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Tình trạng thiếu máy cắt lúa diễn ra cục bộ tại nhiều cánh đồng trên địa bàn xã đã được ngành chức năng địa phương biết đến và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho bà con. Cụ thể là qua khảo sát thì hiện trên địa bàn xã chỉ có khoảng 13-14 máy cắt đang hoạt động, trong khi nhu cầu về máy cắt của bà con trong lúc này là phải hơn 20 máy, vì lúa Đông xuân đang chín rộ. Trước tình hình trên, địa phương đã liên hệ với Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ để báo cáo tình hình và mong sớm được hỗ trợ máy cắt để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho bà con”.

Hiện nay, không riêng gì xã Vĩnh Thuận Đông mà nhiều cánh đồng lúa Đông xuân đang vào vụ thu hoạch trên địa bàn huyện Long Mỹ nói riêng và của tỉnh nói chung cũng rơi vào tình cảnh không có máy cắt khi lúa đã quá ngày thu hoạch. Theo lý giải của một số chủ máy cắt thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của mưa và lúa bị sập làm cho công tác thu hoạch gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ. Cụ thể, trong điều kiện bình thường của vụ lúa Đông xuân thì một máy cắt có thể thu hoạch 40-50 công lúa/ngày; nhưng nay do lúa bị sập và trời mưa làm cho nền đất mềm lún nên mỗi ngày một máy cắt chỉ có thể thu hoạch từ 15-20 công lúa, có hôm không được công nào do mưa. Việc thu hoạch lúa chậm nên dẫn đến tình trạng ùn ứ công cắt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác như hiện nay. 

Trước những khó khăn đang gặp lần đầu ở ngay vụ lúa chính trong năm về tình trạng không có máy cắt đến thu hoạch lúa, hiện bà con rất mong ngành chức năng sớm có giải pháp điều tiết máy cắt cho phù hợp từ vùng này sang vùng khác nhằm thu hoạch lúa được kịp thời, hạn chế thiệt hại.

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, đến ngày 5-4, nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch được hơn 50.000ha trong tổng số 76.626ha lúa Đông xuân đã xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 7,85 tấn/ha. Hiện tại, diện tích lúa Đông xuân chưa thu hoạch tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Về giá lúa (lúa tươi) đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 5.800-5.900 đồng/kg đối với giống OM 18 và Đài thơm 8, riêng giống lúa RVT ở mức 6.900-7.000 đồng/kg.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/nong-dan-lo-lang-vi-thieu-may-thu-hoach-lua-105824.html
Tin liên quan