|
  • :
  • :

Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã được xem là mắt xích quan trọng trong việc liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng nên rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền trong thời gian tới

Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng nên rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền trong thời gian tới

Góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chặng đường 20 năm (giai đoạn 2001 - 2021) xây dựng và phát triển KTTT, HTX trên lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, đã đạt nhiều kết quả quan trọng về cả số lượng lẫn chất lượng. Ước đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 215 HTX với trên 4.630 thành viên (so với năm 2001 tăng 210 HTX).

Điều đáng ghi nhận trong hành trình xây dựng HTX còn là việc tỉnh tạo nhiều điều kiện cho KTTT phát triển về chất lượng, nhất là xuất hiện các tổ hợp tác (THT) và HTX hoạt động hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên THT, HTX, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Bình quân hàng năm, lĩnh vực KTTT đóng góp khoảng 0,15% vào GDP của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Nguyễn Chí Thiện, KTTT đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Liên kết hợp tác trong sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Thực tế khẳng định, nơi nào HTX, THT hoạt động hiệu quả thì nơi đó tạo ra được khu sản xuất tập trung, cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lớn; đồng thời, là cơ sở quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.

Cụ thể, trong đợt dịch Covid-19, nhiều HTX vẫn bảo đảm đầu ra cho nông sản, không bị ù ứ, thậm chí còn có lợi nhuận như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa), HTX Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), HTX Hương Trang (huyện Mộc Hóa), HTX Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc),…

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, Long An và các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, thực tế chỉ có nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, không tập trung, không theo nhu cầu của thị trường mới bị ảnh hưởng; còn nông dân có liên kết với HTX, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao được các HTX hỗ trợ đầu ra.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Sau đại dịch, các thành viên HTX và nông dân có cách nhìn đúng về vai trò của HTX trong nền nông nghiệp hiện đại. Cụ thể, trong đợt dịch thứ 4, HTX không chỉ thu mua nông sản của các thành viên trong HTX mà còn giải cứu hàng trăm tấn nông sản của nông dân trong và ngoài huyện. Để làm được điều này, với vai trò là Giám đốc HTX, tôi chủ động thực hiện các thủ tục cần thiết cũng như liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ nông sản”.

Tiếp tục củng cố, nâng chất hợp tác xã

Bên cạnh những kết quả đã đạt, thời gian qua, KTTT ở tỉnh vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” chưa được khắc phục hiệu quả như công tác giám sát, hỗ trợ HTX ở một số huyện chưa thực hiện thường xuyên; nhận thức về HTX và lợi ích của các tổ chức HTX của người dân, ban quản lý, thành viên các HTX còn chưa đầy đủ, thống nhất, còn mang tính chủ quan; năng lực tổ chức sản xuất của các HTX còn hạn chế; nhiều HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; số lượng HTX thành lập nhiều nhưng số HTX ngưng hoạt động và hoạt động ở mức trung bình, yếu chiếm tỷ lệ cao (ước đến thời điểm ngày 31/12/2021, có 25 HTX ngưng hoạt động, chiếm 11,62%,…).

Thị xã Kiến Tường là một trong những địa phương chưa phát huy tốt vai trò của KTTT trong nền nông nghiệp hiện đại về cả chất lượng lẫn số lượng. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng thông tin: “Hiện nay, thị xã có 7 HTX, 12 THT. Các HTX, THT hoạt động chủ yếu phục vụ các khâu trong quá trình sản xuất như cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, cày, bừa, gieo sạ, bơm, tưới,...

Nhìn chung, các HTX, THT trên địa bàn thị xã hoạt động chưa tốt so với các địa phương khác; chưa có THT, HTX nào hoạt động nổi bật. Dù thời gian qua, các cấp, các ngành hỗ trợ rất nhiều nhưng từ Ban Giám đốc đến thành viên HTX vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Khi THT, HTX muốn được hưởng các chính sách ưu đãi về vốn, trang thiết bị thì các HTX, THT phải hội tụ rất nhiều điều kiện. Song, một số HTX, THT lại không hiểu điều này nên có tâm lý so bì, không tự phấn đấu”.

Một trong những quan điểm của Đảng và Nhà nước về KTTT là “KTTT lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích của tập thể; đồng thời, xem trọng lợi ích xã hội của thành viên, góp phần giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. Đánh giá hiệu quả KTTT phải toàn diện cả kinh tế - chính trị - xã hội, cả hiệu quả của tập thể và của các thành viên”. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện nay, các HTX trên địa bàn tỉnh còn hoạt động mang tính chất cá nhân, chưa phấn đấu vì mục đích của tập thể và cộng đồng. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho KTTT chưa phát huy được tiềm năng sẵn có.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm: “Để KTTT hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức là giải pháp hàng đầu, do đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần giúp người dân nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc phát triển KTTT trong cơ cấu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX với nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là gắn HTX với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, bởi nơi nào có cấp ủy, chính quyền quan tâm, coi nhiệm vụ lãnh đạo phát triển KTTT là nhiệm vụ trọng tâm thì nơi đó THT, HTX phát triển mạnh và ngược lại; tiếp tục phát huy vai trò làm chủ thực sự của thành viên HTX, gắn bó chặt chẽ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên HTX; thường xuyên củng cố bộ máy hoạt động của HTX; hỗ trợ các HTX xây dựng phương án hoạt động theo hướng đa mục tiêu, đa ngành nghề và tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp,...”./.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu:

- Tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển thành lập mới 90 HTX (tăng 42%) và 1 liên hiệp HTX (tăng 25%).

- Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm ít nhất 50% trên tổng số HTX.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; 100% cán bộ quản lý HTX được tập huấn về quản trị HTX, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh,...

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 có 100 HTX (tăng 28%) và 50 THT (tăng 61%) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có ít nhất 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và có ít nhất 10 HTX có sản phẩm OCOP.

- Giải quyết dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

- Tổng số thành viên HTX là 5.500 thành viên (tăng 19%).

Lê Ngọc

Nguồn: https://baolongan.vn/phat-huy-vai-tro-kinh-te-tap-the-trong-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-a126054.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin