Ưu điểm của thị trường là tính đòn bẩy cao, nên khi tham gia đầu tư, nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận “khủng” với số vốn ban đầu rất nhỏ. Tuy nhiên, lợi nhuận và cơ hội trong hoạt động đầu tư luôn đi kèm với những rủi ro nhất định. Bên cạnh ưu điểm hiện có, đòn bẩy cao khiến nhà đầu tư sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có nhiều thời gian cũng như kinh nghiệm cập nhật tin tức thị trường và quản lý danh mục đầu tư.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, đã có gần 16.000 tài khoản giao dịch được mở mới tại MXV, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước |
Trong 3 năm gần đây, đại dịch Covid-19 bùng phát và sự lây lan nhanh chóng của các biến thể mới đã dẫn đến hàng loạt hệ luỵ như chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, chính phủ các quốc gia tung ra nhiều gói kích thích nền kinh tế… Việc này đã tạo ra những cơ hội đầu tư mới nhưng cũng đi kèm với các rủi ro tiềm ẩn khi giá các mặt hàng liên tục biến động với biên độ lớn, điển hình như sự tăng giảm chóng mặt của giá dầu trong thời gian gần đây. Từ tháng 08/2021 đến tháng 10/2021, giá dầu Brent đã tăng hơn 40%. Song chỉ hơn một tháng sau, giá dầu bất ngờ sụt giảm gần 30% giá trị.
Để tránh những tác động tiêu cực tới nhà đầu tư, với cương vị là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hoá tập trung đầu tiên tại Việt Nam, MXV đã xây dựng, triển khai rất nhiều công cụ quản trị rủi ro dựa trên các thuật toán xác suất, thống kê và phổ cập tới tất cả Thành viên Kinh doanh để hỗ trợ tối ưu cho khách hàng. Trước những biến cố thị trường có tính chất chu kỳ hay bất thường, MXV đều có những khuyến nghị đến các Thành viên, giảm bớt vị thế của những khách hàng nắm giữ vị thế lớn để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, MXV ban hành rất nhiều quyết định liên quan đến quản trị rủi ro như: Quyết định hạn mức giao dịch; Quyết định hệ số ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ bắt buộc; Quyết định tỷ lệ huỷ lệnh, tỷ lệ xử lý cắt lỗ; Quyết định tỷ giá, tỷ lệ xử lý ký quỹ; Quyết định giới hạn vị thế… nhằm hỗ trợ Thành viên hiểu và quản trị rủi ro tốt hơn trong đơn vị của mình, đồng thời để tránh các khoản lỗ gây thiệt hại lớn cho khách hàng.
Để giải đáp rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hà, Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hoá TP.HCM (HCT) – Thành viên Kinh doanh thuộc top đầu của MXV nhờ thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro.
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hoá TP.HCM (HCT) |
Thưa ông, được biết HCT là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Xin ông cho biết thêm một số thông tin về thị phần mà HCT đang nắm giữ?
Được thành lập từ tháng 7/2019, sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hoá TP.HCM (HCT) đã và đang là một trong những đơn vị tiên phong dẫn đầu thị trường hàng hoá phái sinh với gần 3.000 tài khoản đã được mở thành công, cùng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đạt gần 500 tỷ đồng. Tính đến Quý IV năm 2022, khối lượng giao dịch trung bình qua HCT hiện đang là 12.000 hợp đồng/tháng; tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nằm trong top 3 Thành viên Kinh doanh xuất sắc nhất của Sở Giao dịch Hàng Hóa Việt Nam, HCT đã và đang khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng các nhà đầu tư nói riêng, thị trường hàng hóa phái sinh nói chung nhờ công tác quản trị rủi ro nghiêm ngặt và tuân thủ đúng những quy định của MXV, đảm bảo phục vụ và hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.
Ông có thể cho biết công tác quản trị rủi ro đang được triển khai cụ thể như thế nào tại HCT, thưa ông?
Công tác quản trị rủi ro của chúng tôi bắt đầu bằng việc đào tạo vững chắc và cập nhật liên tục thông tin cho nhân viên tư vấn và khách hàng thông qua các khoá đào tạo và hội thảo hàng tháng. Tất cả nhân viên luôn được đào tạo chuyên nghiệp, có nền tảng chuyên môn vững chắc để có thể hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng đã và đang tham gia giao dịch tại HCT. Ngoài ra, quy trình kiểm soát rủi ro cũng được giám sát chặt chẽ bởi Bộ phận Quản lý Rủi ro, yêu cầu nhân viên hỗ trợ, theo sát các mốc cảnh báo quan trọng để phổ biến tới khách hàng.
Ví dụ khi tỷ lệ ký quỹ chạm mức 100%, đội ngũ quản trị rủi ro sẽ gửi email thông báo đến khách hàng. Trường hợp tỷ lệ này xuống ngưỡng 70%, nhân viên hỗ trợ sẽ trực tiếp gọi điện cho khách hàng tư vấn nhanh các phương án đối diện với những diễn biến thị trường có thể xảy ra và các hình thức xử lý phù hợp. Đặc biệt, chúng tôi luôn tuân thủ tuyệt đối theo những quy định, khuyến nghị mà MXV đưa ra về việc đặt lệnh cắt lỗ cho tài khoản giao dịch bao gồm đầy đủ các thông tin về mặt hàng giao dịch, chiều mua bán, giá và kỳ hạn giao dịch. Khi tài khoản khách hàng tiệm cận tỷ lệ ký quỹ 40% - mức yêu cầu tất toán trạng thái theo quy định của MXV hiện hành, chúng tôi chủ động tiến hành giảm vị thế của khách hàng để đảm bảo an toàn cho tài khoản theo quy định.
Các công cụ tính toán mức giá để đặt lệnh chờ cắt lỗ phù hợp cũng được xây dựng cụ thể để bám sát thị trường và kịp thời hỗ trợ khách hàng. Quy trình này được vận hành bài bản nhờ việc duy trì một đội trực xuyên suốt phiên giao dịch. Sau khi trải qua những phiên thị trường biến động, chúng tôi ngồi lại phân tích sâu hơn, toàn diện hơn về những tình huống mà khách hàng có thể phải đối diện để đưa ra những kịch bản, những giải pháp tối ưu phù hợp hơn cho khách hàng mà vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của MXV.
Ông có có những khuyến nghị như thế nào cho các nhà đầu tư để đảm bảo rủi ro luôn được kiểm soát và lợi nhuận được tối ưu, thưa ông?
Tôn chỉ của chúng tôi khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính nói chung, đặc biệt là lĩnh vực giao dịch hàng hóa phái sinh nói riêng, việc quản trị rủi ro luôn được ưu tiên hàng đầu. Nhân đây tôi xin chia sẻ một số quan điểm mấu chốt trong công tác quản trị rủi ro của chúng tôi như: Luôn nhắc nhở khách hàng phải sử dụng lệnh dừng lỗ khi có phát sinh trạng thái, hạn chế giao dịch vào những ngày thị trường được coi là rủi ro, đồng thời sử dụng tỷ lệ vốn hợp lý để tránh tài khoản bị xử lý khi vi phạm tỷ lệ ký quỹ.
Xin cảm ơn ông!