|
  • :
  • :

Sản xuất lúa Hè thu: Nông dân đối mặt với nhiều khó khăn

Vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân tỉnh nhà phải đối mặt với giá cả phân bón tăng mạnh, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.

 

Nông dân cày vùi rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơn khi xuống giống lúa Hè thu. Ảnh: T.TRÚC

Chi phí tăng cao

Canh tác 5 công ruộng, mới thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân được hơn 4 tấn lúa, bán với giá 5.500 đồng/kg, nhưng sau khi hạch toán lại hết các khoản chi phí đầu tư, ông Võ Văn Bình, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chỉ thu lợi nhuận hơn 5 triệu đồng, tương đương 1 triệu đồng/công. Theo ông Bình, năng suất và giá bán vụ lúa Đông xuân năm nay cũng tương đương năm rồi, nhưng do chi phí phân bón tăng cao nên thu nhập chỉ bằng phân nửa năm trước.

Đang chuẩn bị các công đoạn vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ lúa Hè thu mà ông Bình không giấu được sự lo lắng, bởi giá phân bón cứ tăng như hiện nay mà giá lúa vụ Hè thu tới đây không có chuyển biến thì một vụ mùa nữa sẽ không có lợi nhuận. Ông Bình cho biết: “Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu đều tăng nên hy vọng giá lúa tới đây có khởi sắc hơn để nông dân trồng lúa an tâm sản xuất. Chứ với tình hình như hiện nay thì nhiều nông dân không dám đầu tư, từ đó dẫn tới năng suất lúa sẽ thấp”.

Thời điểm này, trên khắp cánh đồng ở huyện Phụng Hiệp, nông dân đều chịu chung áp lực phân bón đè nặng. So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5-8%. Có loại biến động giá theo tuần, như kali liên tục tăng vọt. Theo bà con nông dân, một vụ lúa cần 3 đợt bón phân, mỗi đợt tương đương từ 10-15kg. Với giá phân bón hiện nay, tiền phân bón cho mỗi công lúa tăng hơn 500.000 đồng so với năm rồi. Để thích ứng, nhiều hộ đã tính toán tiết kiệm chi phí, chuyển sang sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ. Bởi giá thành mỗi bao phân hữu cơ loại 50kg có giá chỉ tầm 200.000-250.000 đồng, vừa rẻ vừa không làm hại cho đất về lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Đạo, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Phân hóa học thì giúp cây lúa nhanh phát triển nhưng giá hiện nay cao quá buộc lòng người dân phải chuyển qua xài phân hữu cơ để tiết giảm chi phí. Mặt khác, đây cũng là điều kiện để người nông dân từng bước chuyển sang sử dụng phân, thuốc hữu cơ để sản xuất lúa an toàn, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Nhiều giải pháp

Kế hoạch vụ lúa Hè thu năm nay huyện Phụng Hiệp sẽ gieo sạ khoảng 20.000ha, tiến độ xuống giống hiện nay đạt gần 20% kế hoạch. Trước áp lực của dịch bệnh, giá vật tư, chi phí đầu vào ở mức cao, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh việc áp dụng quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm vào. Ông Võ Văn Bình cho biết thêm: “Trước tình hình này buộc nông dân phải áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Giảm được cái gì thì giảm chứ tình hình này sản xuất theo kiểu truyền thống nông dân sẽ không có lãi. Khi xuống giống vụ Hè thu tới đây, gia đình cũng sẽ áp dụng việc sạ hàng hoặc sạ máy thay vì sạ lan để giảm giống. Quá trình bón phân cho lúa cũng sẽ cân đối, chứ không dám mạnh tay như trước đây”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Vụ Hè thu tới đây nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn từ giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu tăng mạnh. Chính vì thế ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng máy móc để giảm chi phí. Tăng cường ứng dụng các loại phân hữu cơ vào sản xuất để vừa giảm chi phí vừa cải tạo đất.

Để đảm bảo vụ lúa Hè thu thắng lợi, ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, phơi đất cách ly từ 15-20 ngày trước khi gieo sạ để đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ nhằm tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa. Sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa theo liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống dưới 100 kg/ha. Ưu tiên biện pháp cấy để hạn chế đổ ngã và giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bất lợi như mưa, bão hoặc hạn, mặn do biến đổi khí hậu. Áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng công nghệ sinh thái, ứng dụng chế phẩm nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu…

Ngoài ra, nông dân cần hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau. Bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm nhất là trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh.

Đối với các khu vực đất phèn bị xâm nhập mặn, đất ruộng bị khô, tầng phèn có điều kiện hoạt động, bà con nông dân cần dự trữ nước ngọt, nước mưa để ngâm trong ruộng liên tục 15-20 ngày, sau đó xả nước 2-3 lần và bón vôi trước khi sạ để hạn chế phèn làm chết giống lúa. Bón vôi 500-1.000 kg/ha ngay đầu vụ và tăng cường sử dụng các loại phân bón có chứa hàm lượng canxi, silic để giúp lúa tăng sức đề kháng và chống chịu với sâu, bệnh, hạn, mặn và hạn chế đổ ngã. Sử dụng các dạng phân urê chậm tan để chống thất thoát đạm trong điều kiện hạn xảy ra. Trong điều kiện xảy ra xâm nhập mặn có thể sử dụng phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng giúp rễ lúa phát triển để hấp thu dinh dưỡng và nước…

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đã chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, phòng kinh tế thành phố, thị xã phối hợp các xã, phường, thị trấn khuyến cáo nông dân trên địa bàn xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” của địa phương để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và lan truyền của mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Các trạm chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tuân thủ lịch xuống giống. Khuyến cáo nông dân không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng...

Để đảm bảo sản xuất vụ lúa Hè thu 2022 đạt 75.500ha được thắng lợi với năng suất 6,2 tấn/ha và tổng sản lượng đạt 468.100 tấn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo lịch xuống giống vụ lúa Hè thu năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 22 đến 28-3 (nhằm ngày 20 đến 26-2 âm lịch). Đợt 2 từ ngày 21 đến 27-4 (nhằm ngày 21 đến 27-3 âm lịch). Đợt 3 xuống giống khi mùa mưa bắt đầu, đối với các xã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm trên địa bàn huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy. Nông dân sử dụng một số giống chủ lực có khả năng chống chịu mặn như: OM 5451, OM 6976, OM 2517, OM 4900, ST 24... Các giống lúa bổ sung như: OM 18, RVT, Đài thơm 8...

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/san-xuat-lua-he-thu-nong-dan-doi-mat-voi-nhieu-kho-khan-106009.html
Tin liên quan