|
  • :
  • :

Sản xuất theo GAP nâng cao giá trị, chất lượng nông sản

Sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, GAP mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe con người, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản.

“Rộng” đầu ra - tăng giá trị

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An luôn có những giải pháp thiết thực giúp nông dân thay đổi nhận thức từ sản xuất theo hướng truyền thống sang sản xuất hữu cơ, đạt chuẩn GAP, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng nông sản. Đến nay, tỉnh có vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ trên 2.606ha với các sản phẩm như lúa trên 830ha, rau trên 207ha, thanh long trên 120ha, chanh 150ha,…

Ông Dương Văn Hoàng (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) có kinh nghiệm gần 15 năm trồng chanh. Thời gian đầu, ông bón phân, phun thuốc hóa học để tăng năng suất. Tuy nhiên, điều này làm cây chanh giảm tuổi thọ, đất bị bạc màu, các vi sinh vật có lợi trong đất bị chết, nhất là thường xuyên bị thương lái ép giá do không tìm được đầu ra ổn định. Kết quả không như mong muốn, ông bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất theo phương pháp truyền thống sang hướng hữu cơ, liên kết sản xuất, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản và bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Dương Văn Hoàng (bên phải) có 3ha chanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện xuất sang châu Âu

Ông Hoàng cho hay: “Hiện gia đình tôi có 3ha chanh đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Công ty (Cty) The Fruit Republic Cần Thơ thu mua chanh của gia đình tôi cao hơn thị trường, đặc biệt là trong thời điểm thương lái bỏ cọc, Cty vẫn thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập 300 triệu đồng/năm, riêng năm 2022, thu nhập 400 triệu đồng/năm do chanh bán có giá”.

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An là một trong những địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất tỉnh với trên 6.700ha, trong đó, trên 1.880ha chanh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) sản xuất theo hướng GAP, đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu với sản lượng gần 15.000 tấn/năm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện chủ động làm "cầu nối" giữa Cty The Fruit Republic Cần Thơ và nông dân với mục đích tạo đầu ra ổn định cho nông sản, hướng nông dân sang sản xuất sạch, hữu cơ để đưa sản phẩm đến các thị trường khó tính như châu Âu, góp phần nâng tầm nông sản địa phương, khẳng định thương hiệu chanh Bến Lức. Cùng với sự định hướng của Cty trong việc xây dựng thương hiệu và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân dần thay đổi nhận thức, cách sản xuất. Hầu hết diện tích trồng chanh ƯDCNC sản xuất theo GAP đều được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg”.

Với mục đích đem đến sản phẩm sạch, chất lượng, tăng năng suất, lợi nhuận cho các thành viên, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) xây dựng 35ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích này đều được HTX bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra; đồng thời, cho kỹ sư chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều không dễ dàng, trong đó, nông dân đóng vai trò quan trọng, còn HTX chỉ làm "cầu nối" chuyển giao khoa học - kỹ thuật và kết nối với doanh nghiệp. Chỉ cần nông dân đồng ý thì việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP rất dễ dàng bởi họ chỉ cần thay đổi quy trình, ƯDCNC vào sản xuất, nhất là không chú trọng năng suất mà quan tâm đến chất lượng sản phẩm và lợi nhuận sau khi thu hoạch. Trung bình, diện tích lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP thương lái sẽ thu mua cao hơn từ 50-100 đồng/kg”.

Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC tại các xã: Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa), Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) và Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường) với diện tích 250ha. Nông dân tham gia mô hình trong năm đầu tiên được hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và dịch vụ máy bay phun thuốc. Đến năm thứ 2, nông dân được hỗ trợ 30%, năm thứ 3 hỗ trợ 20%.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Võ Thành Nghĩa khẳng định: “Dự kiến sau khi kết thúc năm thứ 3, tất cả diện tích nằm trong mô hình đều đạt chứng nhận VietGAP. Đây là tiền đề quan trọng để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần xây dựng vùng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP

Để hướng tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, xây dựng thương hiệu hàng nông sản, thủy sản của tỉnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh triển khai hỗ trợ các HTX, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, sơ chế sản phẩm nông nghiệp, thủy sản (gọi chung là cơ sở) sản xuất theo hướng GAP.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí để phân tích mẫu đất, nước và không khí khi áp dụng quy trình VietGAP; hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, hệ thống điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu áp dụng quy trình VietGAP theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ một lần 100% kinh phí tư vấn, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở áp dụng quy trình VietGAP, biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ các lớp đào tạo, tập huấn, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ một lần không quá 50% chi phí đầu tư dụng cụ, trang thiết bị sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP, SSOP, HACCP và mức hỗ trợ tối đa không quá 75 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ một phần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại;…

Tuy nhiên, các cơ sở phải có đất sản xuất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, sản phẩm của các cơ sở phải phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, Tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố và các tiêu chuẩn GAP khác. Ngoài ra, các cơ sở phải đăng ký áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu tăng diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP thêm 10% so với năm 2022. Để đạt mục tiêu này, ngành đang tích cực phối hợp các địa phương tổ chức lại sản xuất và tăng cường kết nối, xây dựng liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản. Đồng thời, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh theo từng vùng, từng loại nông sản, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư,... Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các HTX, chủ thể sản xuất nông nghiệp nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP;... hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững”./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn: https://baolongan.vn/san-xuat-theo-gap-nang-cao-gia-tri-chat-luong-nong-san-a155947.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin