Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng vừa bảo vệ môi trường vừa giúp môi trường tái sinh mạnh hơn.
Ở Việt Nam, nông nghiệp tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp, cả với sản xuất và xây dựng Nông thôn mới.
Có thể thấy rõ lợi ích mà nông nghiệp tuần hoàn mang lại. Cụ thể: thu hồi và sử dụng các năng lượng sinh khối nói chung và biogas nói riêng trong sản xuất để tạo nguồn năng lượng mới; tăng lượng phân bón hữu cơ được sản xuất từ chất thải hữu cơ phát sinh trong quá trình sản xuất (chất thải trong chăn nuôi, xác bã động, thực vật trong quá trình trồng trọt, chế biến nông sản…); bảo vệ, cải tạo đất bằng việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ; bảo vệ nguồn nước nhờ sử dụng nước hiệu quả và không làm ô nhiễm nguồn nước; ngăn chặn chất thải thực phẩm (food waste) thông qua việc tối ưu hóa các chuỗi cung ứng thực phẩm, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu theo dõi chất thải thực phẩm, tăng cường các mô hình chia sẻ, quyên góp thực phẩm.
Nông nghiệp tuần hoàn không phải là chỉ quay lại với các biện pháp canh tác truyền thống. Nó là sự kết hợp các biện pháp truyền thống, thuận theo tự nhiên với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học để có thể xử lý và tạo ra những sản phẩm, thực phẩm sạch cho con người cũng như thức ăn an toàn cho chăn nuôi.
Để có thể thực hiện nông nghiệp tuần hoàn, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường và động lực phát triển, trong đó, chú ý việc tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học - công nghệ một cách bình đẳng, minh bạch.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp để hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, công nghệ tái chế… làm nền tảng cho việc khai thác, xử lý hiệu quả sản phẩm, phụ phẩm cũng như chất thải trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường và sản phẩm; tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn…
Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, mặc dù nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng nhưng rất cần có sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước và sự vào cuộc của toàn xã hội. Bộ NN&PTNT cần tham mưu với Chính phủ có chủ trương, chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong ưu tiên phát triển nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với đặc điểm riêng của nông nghiệp Việt Nam.