|
  • :
  • :

Tăng tính bền vững cho dòng vốn vào khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN), của Việt Nam hiện là nơi tập trung của rất nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, tuy vậy, vấn đề thu hút đầu tư vào các KCN hiện nay vẫn tồn tại những bất cập và thiếu tính bền vững. Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển KCN” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra sáng ngày 20/9.

Đã có 394 khu công nghiệp được thành lập

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5/2021, Việt Nam đã có 394 KCN được thành lập, trong đó 352 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 35 KCN nằm trong các KKT ven biển và 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu. Tổng diện tích của các KCN hiện nay lên tới 121,9 nghìn ha.

Trong tổng số các KCN được thành lập, có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 86 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp 57,3 nghìn ha. Còn lại 108 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp 23,6 nghìn ha.

Hiện các KCN và KKT của cả nước đã thu hút được 10.853 dự án sản xuất, kinh doanh còn hiệu lực của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 228,4 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt 69,6% tổng vốn đăng ký. Cùng với đó là 10.186 dự án sản xuất, kinh doanh còn hiệu lực của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện khoảng 45,4%.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, các KCN, KTT còn đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho nền kinh tế. Đặc biệt, tại một số địa phương, sự xuất hiện của các KCN, KKT đã thúc đẩy kinh tế - xã hội và dịch vụ tại địa phương phát triển.

Tăng tính bền vững cho dòng vốn vào khu công nghiệp
Hiện cả nước có 286 KCN đang hoạt động

Điển hình như tại TP. Hải Phòng, theo ông Bùi Ngọc Hải - Phó trưởng ban, Ban quản lý KKT Hải Phòng: Hải Phòng hiện có 25 KCN được quy hoạch, trong đó đã phát triển được 12 KCN với diện tích 5 nghìn ha. Tính đến cuối tháng 8/2021, các KCN Hải Phòng thu hút được 422 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 18,9 tỷ USD. Đầu tư trong nước thu hút được 178 dự án, với tổng vốn đăng ký 156 ngàn tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD. Như vậy, tính tổng cả vốn trong và ngoài nước, 12 KCN của TP. Hải Phòng đã thu hút được hơn 26 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho 177 ngàn lao động, kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 20 tỷ USD/năm, đóng góp cho ngân sách rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Hải, đóng góp lớn nhất của các KCN TP. Hải Phòng hiện nay là kích thích các ngành kinh tế khác của địa phương phát triển, như: Ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, cảng biển, vận tải, và thúc đẩy cầu thương mại của địa phương.Cụ thể, với mức lương trung bình của một người lao động tại KCN là 10 triệu đồng/1 tháng, trong 177 ngàn lao động đang làm việc tại KCN, vậy là số lượng tiền lương là 1.700 tỷ đồng/tháng, nếu số lao động đó chỉ bỏ ra khoảng 50% thu nhập cho tiêu dùng cá nhân thì mỗi tháng sẽ có 850 tỷ đồng được để đưa vào nền kinh tế địa phương, kích thích sự sôi động của nền kinh tế Hải Phòng.

Khắc phục những bất cập

Dù có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, xuất khẩu và thu ngân sách quốc gia, song nhiều nhận định cũng cho rằng, sự phát triển của các KCN thời gian qua vẫn thiếu tính bền vững. Quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược tổng thể, một số nơi phát triển KCN chưa sát với nhu cầu thực tế, nên chưa tạo được hiệu quả trong thu hút đầu tư. Chưa kể, tại nhiều KCN quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, nên tỷ lệ lấp đầy chưa cao.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Quy hoạch phát triển KCN, KKT thời gian qua chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Việc quy hoạch thành lập các KCN, KKT cũng chưa cân đối, còn tập trung vào một số vùng kinh tế trọng điểm, gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số địa phương.

“Mô hình phát triển các KCN theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nguồn lực phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tiềm năng về đất, chưa thực sự tạo ra được các cụm sản xuất có quy mô để tăng khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam” - ông Phan Hữu Thắng cho biết thêm.

Đó cũng là lý do, hiện diện tích đất các KCN đã được lấp đầy mới chiếm khoảng 54% tổng diện tích đã được cấp cho các KCN, như vậy còn khoảng 43.000 ha đất trống dành cho các dự án đầu tư mới, chưa kể theo định hướng phát triển các KCN sẽ còn có các KCN mới được hình thành trong tương lai.

Cũng theo ông Phan Hữu Thắng, dưới tác động của đại dịch Covid-19, tổng lượng vốn đầu tư toàn cầu đã giảm tới 40% trong năm 2020, từ 1.500 nghìn tỷ USD xuống còn khoảng 850 nghìn tỷ (theo báo cáo của UNTAD 2021), do đó cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài càng trở nên gay gắt trong thời gian tới. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua dẫn đến việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển người lao động trong các KCN, làm đình trệ sản xuất, gia tăng chi phí, giảm công suất và sản phẩm, cũng làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Để tăng tính hấp dẫn, bền vững trong thu hút đầu tư vào các KCN, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong KCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là trong bối cảnh hơn 90% vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN đến từ các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút các dự án động lực, có quy mô lớn vào các KCN, từ đó hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa, có tính liên kết cao giữa các doanh nghiệp trong KCN, KKT, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các mô hình KCN mới như: KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN hỗ trợ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng.

Nguyễn Hòa

Tác giả: Nguyễn Hòa
Nguồn: https://congthuong.vn/tang-tinh-ben-vung-cho-dong-von-vao-khu-cong-nghiep-164392.html
Tin liên quan