|
  • :
  • :

Tất bật chuẩn bị cho vụ ép mía

Để vụ ép và thu hoạch mía sắp tới đây đạt thắng lợi, hiện Nhà máy đường Phụng Hiệp cùng nông dân trồng mía trong tỉnh tất bật chuẩn bị.

Công nhân Nhà máy đường Phụng Hiệp đang tích cực sửa chữa trang thiết bị.

Gấp rút hoàn thiện sửa chữa trang thiết bị

Nhiều ngày qua, hơn 80 công nhân lao động tại Nhà máy đường Phụng Hiệp thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) luôn tích cực kiểm tra và tiến hành tu sửa các trang thiết bị để nhà máy sớm đi vào hoạt động nhằm tiêu thụ mía nguyên liệu cho người dân trong tỉnh được kịp thời. Theo đánh giá của lãnh đạo Casuco, đến thời điểm này, công tác sửa chữa trang thiết bị tại Nhà máy đường Phụng Hiệp đã đạt hơn 40% khối lượng công việc. Điều thuận lợi là đa phần công nhân lao động đang làm việc tại nhà máy đường có hộ khẩu ở thành phố Ngã Bảy nên lực lượng này được đi lại làm việc theo nguyên tắc một cung đường hai điểm đến. Riêng một số trường hợp lao động ở ngoài địa bàn thành phố Ngã Bảy thì nhà máy đường bố trí 3 tại chỗ nhằm đảm bảo vừa sửa chữa trang thiết bị vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: Cái khó hiện nay của đơn vị là việc vận chuyển trang thiết bị từ ngoài tỉnh về nhà máy đường phục vụ cho công tác sửa chữa. Ngoài ra, một số cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh bán trang thiết bị cần thiết cho công tác sửa chữa nhà máy đường chưa mở cửa hoạt động trở lại do còn thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Từ những nguyên nhân trên nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ sửa chữa tại Nhà máy đường Phụng Hiệp. Tuy có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng và tranh thủ đẩy nhanh tiến độ sửa chữa để sớm đưa nhà máy đường vào vụ sản xuất theo kế hoạch dự kiến vào ngày 15-11 tới. Thế nhưng, việc nhà máy đường hoạt động vào thời điểm nào cũng còn phụ thuộc vào đơn vị kiểm định chất lượng các trang thiết bị. Bởi, đây là đơn vị nằm ngoài tỉnh nên khi đến Hậu Giang sẽ thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, từ đó sẽ mất một khoảng thời gian nhất định.

Theo kế hoạch thì Nhà máy đường Phụng Hiệp cần tổng số khoảng 140 công nhân lao động ở các khâu trong quá trình sản xuất. Vì vậy, hiện đơn vị đã gửi thông báo triệu tập đến cán bộ, lao động ngoài tỉnh vào thành phố Ngã Bảy từ ngày 11-10 để thực hiện cách ly tập trung theo quy định, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà máy đường thêm 14 ngày trước khi tham gia vào các bộ phận làm việc. Với sự chủ động như trên thì các công nhân lao động của Casuco ở ngoài tỉnh Hậu Giang sẽ đảm bảo thời gian kiểm soát dịch bệnh trước khi nhà máy đường chính thức đi vào hoạt động.

Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, cho biết thêm: “Bên cạnh công tác sửa chữa trang thiết bị thì đơn vị cũng đang tính toán và dự kiến trong tuần này sẽ công bố chính thức về mức giá thu mua mía cho người dân được biết, nhằm tạo niềm phấn khởi trước khi vào vụ thu hoạch. Trong đó, mức giá thu mua mía sắp tới đây mà Casuco đưa ra sẽ không thấp hơn giá mà Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng vừa công bố là 1.100 đồng/kg (mía 10 chữ đường cân tại ruộng) nên bà con cứ an tâm”.  

Phương tiện vận chuyển và nhân công đã sẵn sàng 

Cùng với nhà máy đường thì nhiều nông dân hành nghề chuyên chở mía nguyên liệu của người dân về nhà máy đường cũng đang tất bật chuẩn bị các công việc cần thiết để sẵn sàng đi vào hoạt động. Ông Phạm Văn Vũ, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Hiện tại, tôi đã liên kết với một số anh em trong ấp này được 10 ghe chở mía, với tải trọng từ 40-50 tấn mía/ghe. Vào thời điểm này, các công việc chuẩn bị ghe, máy, dầu,… đã sẵn sàng. Ngoài ra, đi cùng với các ghe chở mía thì hiện cũng có hơn 30 nhân công thực hiện đốn và vận chuyển mía cây từ liếp ra bãi cân. Nhìn chung, mọi công việc chuẩn bị về phương tiện và con người đã hoàn tất, giờ chỉ còn chờ nhà máy đường thông báo ngày vào vụ sản xuất thì có mía chở về nhà máy”.

Theo ghi nhận của bà con nông dân thì lực lượng lao động thu hoạch mía tại các cánh đồng mía trong năm nay đang khá dồi dào. Nguyên nhân là do thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết lao động đều ở lại địa phương, không đi làm ăn nơi khác như trong điều kiện bình thường. Vì vậy, khi vào vụ thu hoạch mía sẽ là công việc lý tưởng để lao động nông thôn có việc làm và kiếm được nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Do nguồn lao động nông thôn đang nhiều nên khi vào vụ thu hoạch mía thì tiến độ đốn sẽ nhanh, qua đây giúp bà con đỡ lo về tình hình mía bị ngập do nước thủy triều dâng cao tại các vùng trũng thấp.

Ông Trương Hồng Tươi, hộ có 1ha mía (giống ROC 16) ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Hiện nước thủy triều đã dâng lên gần bằng mặt liếp mía. Trong điều kiện mưa dầm như hiện nay thì vài hôm nữa, nước sẽ gây ngập liếp mía là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, nhiều diện tích trồng giống mía chín sớm ROC 16 hiện đã quá ngày thu hoạch; do đó, bà con mong nhà máy đường sớm vào vụ sản xuất để tiêu thụ mía cho người dân được kịp thời”.

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nông dân tại các vùng mía trong tỉnh đã thu hoạch được gần 900ha mía dùng làm nước giải khát (bán mía chục) trong tổng số 5.040ha đã xuống giống, với năng suất bình quân đạt 100 tấn/ha. Diện tích mía còn lại đa phần là dùng làm mía nguyên liệu cho Nhà máy đường sản xuất, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/cong-thuong/tat-bat-chuan-bi-cho-vu-ep-mia-101779.html
Tin liên quan