Theo Cục QLTT Thừa Thiên Huế, thực hiện Kế hoạch của Tổng cục QLTT về việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Kế hoạch của Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Cục QLTT về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực QLTT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế... Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT Thừa Thiên Huế) đã chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, nhất là lực lượng Công an; tăng cường công tác giám sát, nhân mối; chú trọng công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên khâu lưu thông.
Số lượng lớn hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ bị lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế tạm giữ |
Theo đó, lúc 8 giờ 00 ngày 27/11, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế kiểm tra xe ô tô khách mang biển kiểm soát 29B-152.35 do ông Hoàng Mạnh Hà có địa chỉ thường trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội điều khiển.
Kiểm đếm hàng hóa trước khi tạm giữ |
Kết quả khám, Đội QLTT số 1 phát hiện hơn 16.000 sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ bao gồm: 160 cái máy tính xách tay hiệu Dell, Lenovo, HP; 23 cái điện thoại Iphone 11 Promax và Ipad; 6.000 sản phẩm mỹ phẩm, hơn 9.500 sản phẩm khác như linh kiện máy tính, phụ kiện thời trang, áo quần, giày dép… và 300 cái đồng hồ đeo tay Michael Kors, Swarovskl, Wellington, Movado có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại thị trường Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính trên 1,5 tỷ đồng.
Hiện, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để thẩm tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Tuấn