Theo đề cương sơ bộ của đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 mà Bộ NN&PTNT đang xây dựng, mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn mới được xác định là phát triển sản phẩm OCOP để góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Từ đó, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Để thực hiện, tổng kinh phí dự kiến cho Chương trình OCOP giai đoạn này là khoảng 57.000 tỉ đồng. Trong đó, chú trọng huy động nguồn xã hội hóa, gồm vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, vốn vay tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế… Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và địa phương hỗ trợ một phần (chiếm khoảng 10,9%).
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP, dự kiến khoảng 57.000 tỷ đồng, bao gồm: - Vốn do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh đầu tư: khoảng 11.400 tỷ đồng, chiếm 20% - Vốn vay tín dụng: khoảng 37.164 tỷ đồng, chiếm 65,2% (các tổ chức, hộ sản xuất vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện đầu tư tiếp theo) - Vốn lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ khác: 2.280 tỷ đồng, chiếm 4%. - Vốn hỗ trợ từ ngân sách: khoảng 6.156 tỷ đồng, chiếm 10,9%, trong đó: • Ngân sách Trung ương: khoảng 1.026 tỷ đồng (chiếm 1,8%), từ nguồn vốn dành cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. • Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã): 5.130 tỷ đồng, từ nguồn vốn bố trí cho Chương trình xây dựng NTM hàng năm; nguồn khuyến nông, khuyến công, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác có liên quan. |
Cơ chế, chính sách là chân trụ
Là người theo sát Chương trình OCOP trong suốt 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng có rất nhiều vấn đề cần đặt ra để Chương trình OCOP tiếp tục phát huy hiệu quả. Trước mắt, Chương trình OCOP cần củng cố, hoàn thiện cơ chế, chính sách để chương trình có thể lan tỏa, mở rộng và khuyến khích việc đầu tư khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, thiết kế bao bì; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới các cửa hàng quảng bá, bán sản phẩm OCOP…
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế, chính sách trong việc nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đã bắt đầu xuất hiện các sản phẩm giả, nhái sản phẩm OCOP trên thị trường. Điều này theo Thứ trưởng, sẽ ảnh hưởng rất xấu tới hiệu quả của Chương trình.
Đề cập đến vấn đề cơ chế chính sách, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng chủ thể thực hiện của Chương trình OCOP là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ, vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp với đối tượng hướng đến của Chương trình trong việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, chuyển giao khoa học công nghệ...
Tập trung cho khâu hỗ trợ triển khai Chương trình
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 là chú trọng nâng cao năng lực của hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình. Theo đó, sẽ tiến hành xây dựng các Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP ở các vùng trên cả nước, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể, đồng thời kết nối với hoạt động du lịch. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các trung tâm này sẽ là đầu mối tập trung cho việc phát triển sản phẩm OCOP từ chất lượng sản phẩm đến thiết kế, sáng tạo mẫu mã, bao bì, đồng thời là nơi tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự thực hiện Chương trình OCOP. Thứ trưởng cho biết trước mắt dự kiến sẽ xây dựng 4 trung tâm điểm tại Hà Nội, Quảng Ninh, Huế và Kiên Giang.
Góp ý cho công tác xây dựng các trung tâm này, ông Vũ Thành Long - Trưởng ban Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, đề xuất: Không chỉ là đầu mối tập trung cho việc phát triển sản phẩm OCOP, các trung tâm nên là nơi nghiên cứu, đề xuất các chính sách phục vụ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình đăng ký ý tưởng tham gia Chương trình OCOP song song với việc tư vấn, hỗ trợ từ khâu xây dựng hồ sơ đăng ký ý tưởng; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh đến chuyển giao khoa học công nghệ, máy móc thiết bị; đăng ký sở hữu trí tuệ, công bố tiêu chuẩn chất lượng và kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kết nối các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất... Ông Vũ Thành Long cũng đề xuất các trung tâm sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu, triển lãm các sản phẩm OCOP.
Những mục tiêu cụ thể của Chương trình OCOP: - Phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. - Có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. - Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng (trong đó có ít nhất 50% sản phẩm OCOP hiện có được củng cố và nâng cấp). - Có ít nhất 50% làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương. - Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%. |