|
  • :
  • :

TP. Hồ Chí Minh: Giao thương đã thích ứng với trạng thái bình thường mới

Tình hình giao thương hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã dần được cải thiện và có sự chuẩn bị để bước vào giai đoạn bình thường mới. Đây cũng là kết quả của việc triển khai theo nguyên tắc “an toàn đến đâu mở cửa đến đó” với việc áp dụng hoạt động thí điểm cho một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tại các địa bàn kiểm soát được dịch bệnh.

Giao thương hàng hóa dần cải thiện

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 của TP. Hồ Chí Minh đạt 30.982 tỷ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 65,2% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng/2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

TP. Hồ Chí Minh: Giao thương đã thích ứng với trạng thái bình thường mới

Giao thương hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố đã dần được cải thiện, lấy lại đà tăng trưởng và bước vào giai đoạn bình thường mới

Nếu tính riêng doanh thu nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm trong tháng 9/2021 đạt 5.864 tỷ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước (trong khi tháng 8/2021 giảm 7,95% so với tháng 7/2021). Kết quả này cho thấy hoạt động giao thương hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố đã dần được cải thiện, đảm bào nguồn cung hàng hóa dồi dào hơn, lưu thông phân phối thông suốt hơn.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tay người dân trên địa bàn, đến nay thành phố đã đưa các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm vào hoạt động. Đến nay, tổng lượng hàng hóa nhập hàng đêm tại điểm trung chuyển chợ đầu mối Bình Điền khoảng 124,1 tấn các loại; Thủ Đức khoảng 118 tấn (trái cây) và chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 60 tấn (rau củ quả).

Vào ngày 01/10, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép hoạt động trở lại như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị... sau thời gian dài tạm ngừng để thực hiện phòng chống dịch, kỳ vọng ngành thương mại dịch vụ của thành phố sẽ nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng nhất là trong những tháng cuối năm 2021.

Chính thức bước sang giai đoạn bình thường mới

Cũng trong sáng ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND thành phố "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố". Theo đó, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép hoạt động lại từ sau ngày 30/9 như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị...

Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Với mục tiêu này, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức triển khai rà soát, đánh giá và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức mở cửa trở lại các điểm bán hàng hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống sau thời dài tạm ngưng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố. Phạm vi điều chỉnh là các đơn vị kinh doanh thương mại, cung ứng hàng hóa (hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ, lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chờ đầu mối); doanh nghiệp/cơ sở sản xuất; văn phòng làm việc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn.

Cụ thể điều kiện áp dụng: Người lao động, người sử dụng lao động tại các đơn vị; các đối tác cung cấp; khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải có thẻ xanh Covid, cùng việc tuân thủ 5K. Trong đó, nêu rõ một người có thẻ xanh Covid khi hội đủ các điều kiện: xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng test nhanh hoặc RT- PCR đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm; Tiêm vắc xin phòng Covid-19 ít nhất 1 liều, sau 2 tuần; hoặc từng là F0 và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.

Về điều kiện tiêm vắc xin: Tiêm ít nhất 1 liều đối với loại vắc xin tiêm 2 lần, 2 tuần sau khi tiêm; đối với vắc xin tiêm 1 liều, 2 tuần sau khi tiêm. Người tiêm 1 liều (đối với loại vắc xin 2 lần) thì phạm vi hoạt động và tiếp xúc sẽ bị giới hạn so với người tiêm đủ 2 liều. Điều kiện F0 khỏi bệnh: có giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn... Các trường hợp F0 khỏi bệnh khác không thể xác nhận được thì phải tiêm vắc xin.

Thanh Thanh

Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-giao-thuong-da-thich-ung-voi-trang-thai-binh-thuong-moi-164954.html
Tin liên quan