|
  • :
  • :

Trăn trở nghề nuôi lươn

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng hay bể bạc là mô hình được nhiều hộ dân lựa chọn trong những năm gần đây vì ít tốn diện tích, dễ nuôi và phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại nhiều vùng.

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng hay bể bạc là mô hình được nhiều hộ dân lựa chọn trong những năm gần đây vì ít tốn diện tích, dễ nuôi và phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại nhiều vùng. Tuy nhiên, giá bán hiện tại đang giảm mạnh khiến nhiều người dân nuôi lươn rơi vào tình huống khó.

Ông Khải vừa bán đợt lươn thịt với giá 95.000 đồng/kg.

Những năm gần đây, nhiều người dân trong tỉnh lựa chọn mô hình nuôi lươn sạch, không bùn vì chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể tận dụng tối ưu diện tích sẵn có xung quanh nhà. Đặc biệt, con lươn có giá trị kinh tế cao, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, phù hợp với nhiều đối tượng kể cả những hộ ít đất sản xuất hoặc ít kiến thức chuyên môn. Từ đó, nuôi lươn đã trở thành nghề chủ lực phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong tỉnh. Mô hình này tuy không mới nhưng đã giúp cho nhiều gia đình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và khấm khá hơn trước.

Gắn bó nghề nuôi lươn thịt đã hơn 7 năm, ông Lê Quốc Khải, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Mới đầu tôi biết đến mô hình nuôi lươn không bùn là từ internet, rồi được bạn bè dắt đi tham quan. Với tính hiếu kỳ, tôi đã tự tìm tòi học hỏi cách nuôi và thấy được nhiều điểm lợi từ mô hình này nên quyết định làm thử. Vụ đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên chỉ thu được 500kg, tuy nhiên giá bán lươn thịt lúc đó lên đến 200.000 đồng/kg, trong khi thức ăn cho lươn chỉ có giá 300.000 đồng/bao, khi trừ chi phí đầu tư tôi còn lợi nhuận gần 30 triệu đồng/1.000 con lươn thịt”.

Tuy nhiên, việc ùn ùn mở rộng diện tích nuôi, trong khi đầu ra còn giới hạn nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá bán lươn thịt đã giảm còn phân nửa. Theo nhận định của nhiều hộ nuôi lươn trên địa bàn tỉnh, hiện nay giá bán lươn giảm mạnh so với cùng kỳ và dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Cũng theo ông Khải, giá bán lươn thịt hiện tại chỉ còn 95.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2023 và thấp hơn cùng kỳ đến 25.000 đồng/kg; lươn giống có giá 3.500 đồng/con, giảm khoảng 1.500 đồng/con so với cùng kỳ. Ngược lại, giá bán thức ăn đã tăng mạnh so với những tháng trước. Ông Khải cho biết: “Gia đình tôi nuôi 11 bể lươn thịt, chi phí mua con giống hiện dao động ở mức khoảng 3.500.000 đồng/thiêng (1.000 con), thức ăn tôi dùng loại 650.000 đồng/bao, tiền điện mỗi tháng khoảng 1.000.000 đồng, với giá bán hiện tại thì khi trừ chi phí đầu tư tôi còn lợi nhuận rất thấp”.

Khó khăn hiện tại của người nuôi lươn chính là giá thức ăn tăng cao trong khi giá bán lươn lại giảm mạnh. Với mỗi đợt lên giá, thức ăn cho lươn tăng từ 20.000 đồng/bao, hiện nay đã lên đến hơn 700.000 đồng/bao (tùy loại). Bên cạnh đó, người dân còn đau đầu vì đầu ra không được đảm bảo. Bà con nuôi lươn chủ yếu tự liên hệ với thương lái, nếu được giá thì bán, không được thì tiếp tục đợi tìm thương lái khác. Đến thời điểm thu hoạch, nếu lươn vẫn chưa bán được thì lại phải tốn thêm tiền thức ăn, tiền điện…Việc đầu ra không ổn định trở thành một vấn đề nan giải khiến người nuôi lươn ngày càng lo lắng.

Nuôi hơn 20 bể lươn với tổng đàn hơn 60.000 con, sản lượng từng đợt bán là hơn 7 tấn, đã quá lứa thu hoạch hơn 3 tháng nay, nhưng gia đình ông Mai Văn Quang, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, vẫn chưa thể bán, bởi giá thương lái thu mua hiện nay chỉ ở mức 90.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Quang, nếu bán hết số lươn này với giá hiện tại gia đình sẽ không có lãi và lỗ công chăm sóc, mặc dù lươn giống tự gia đình ương để nuôi nên đỡ được phần nào chi phí đầu tư. Ông Quang cho hay: “Hiện nay, gia đình chỉ cho đàn lươn ăn đắp đỗi qua ngày, khi nào có giá thì sẽ thúc rồi bán. Chứ giá lươn hiện tại rất thấp, các hộ xung quanh mua lươn giống của gia đình tôi về nuôi đợt này đa số đều lỗ vốn. Nhà tôi cũng không khá hơn, nếu thời gian đợi càng lâu thì khi bán ra sẽ càng lỗ nặng”.

Anh Đào Chí Linh, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nuôi lươn Thuận Phát, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cho biết, ước sản lượng thu hoạch lươn mỗi năm của HTX khoảng 40 tấn. Thành viên trong HTX không chỉ bán lươn thịt mà còn chế biến thành khô lươn một nắng, với giá bán 400.000 đồng/kg để có mức lợi nhuận cao hơn. Hiện sản phẩm khô lươn một nắng của HTX đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là động lực giúp thành viên phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ông Trần Thanh Phong, Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Long Mỹ, cho biết: Với diện tích hơn 58.100m2 nuôi lươn không bùn của hơn 700 hộ dân và đây được xem là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Theo đánh giá thì mô hình nuôi lươn đang ngày càng phát triển trên địa bàn huyện. Vì vậy, sắp tới sẽ liên kết các hộ nuôi lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để thuận lợi đầu ra. Ngành nông nghiệp huyện cũng đã liên hệ với HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp để được bao tiêu hàng tháng nhằm không bị thương lái ép giá, đảm bảo đầu ra cho bà con chăn nuôi. Bên cạnh đó, tuyên truyền các hộ nuôi lươn phát triển số lượng ổn định, có chất lượng, không dùng kháng sinh. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, kêu gọi người dân không nên mở rộng diện tích một cách ào ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giá bán thấp.

Bài, ảnh: MAI THANH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/tran-tro-nghe-nuoi-luon-123542.html
Tin liên quan