|
  • :
  • :

Tránh ‘đồng phục hóa’ trong xây dựng nông thôn mới

Sáng 17/2, Bộ Nông nghiệp phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 12 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu “To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đáng nói, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, công nhận 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của hơn 4.586 chủ thể tham gia. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình chuyên đề giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các bộ, ngành trung ương tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý, cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền.

Đến nay, các bộ, ngành trung ương đã hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 24 văn bản pháp lý và ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã cơ bản đầy đủ và đồng bộ, là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai thực hiện.

Về phía các tỉnh, thành phố, đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đều đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp (theo phân cấp) giai đoạn 2021 - 2025.

Đại đa số các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai các chương trình chuyên đề theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các quyết định phê duyệt chương trình và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương tại các Kế hoạch triển khai chương trình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận 5 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, trao đổi, thống nhất, quán triệt về tư duy, cách làm trong toàn hệ thống văn phòng, cán bộ tham mưu công tác xây dựng nông thôn mới từ trung ương đến địa phương về nội hàm, định hướng, yêu cầu trong xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Thứ hai, làm thế nào để đưa ra các giải pháp triển khai đồng bộ các quy định về quản lý, tổ chức, cơ chế phối hợp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giữa các bộ, ngành và các địa phương?

Thứ ba, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ nào để tập trung hoàn thành mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025?

Thứ tư, trong điều kiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều được triển khai trên địa bàn nông thôn, đều gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới như hiện nay, thì các giải pháp về phối hợp thực hiện, cơ chế lồng ghép và huy động các nguồn lực nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu của chương trình và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước như thế nào cho hiệu quả, cho tránh chồng chéo và dàn trải.

Thứ 5, ngoài việc triển khai thực hiện 11 nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới, thì các sở, ngành, các địa phương cần làm gì, làm như thế nào để cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề theo hướng sát thực nhất.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: “Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng nông thôn mới. Lấy sự năng động, đổi mới sáng tạo ở cấp cơ sở làm động lực để các địa phương học tập, chia sẻ, cùng phấn đấu, kích hoạt các giá trị nội tại qua đó ‘tránh đồng phục hóa’ trong xây dựng nông thôn mới cho hàng ngàn xã, phường trên cả nước”.

Nguyễn Hạnh
 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/tranh-dong-phuc-hoa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-242808.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin