Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. |
Năm 2015, ông Đinh Văn Thành (xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) mua 400 cây giống mắc ca từ Đắk Lắk về trồng thử nghiệm xen vào diện tích chè Shan của gia đình. Dù chỉ để cây mắc ca mọc tự nhiên, nhưng đến năm 2020, với một số cây cho bói, ông Thành đã thu được hơn 1 tạ quả.
Tiềm năng mắc ca
Giống như gia đình ông Thành, những năm qua, một số hộ ở huyện Văn Chấn cũng đã thử nghiệm trồng cây mắc ca và hầu hết cho kết quả khả quan. Cây mắc ca sinh trưởng tốt tại Yên Bái ngay cả trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây mắc ca tại địa phương, năm 2020, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã hỗ trợ huyện Văn Chấn trồng thử nghiệm 5ha mắc ca tại xã Gia Hội. Được trồng xen với chè Shan với mật độ 150 cây/ha, sau hơn 6 tháng, cây mắc ca đã sinh trưởng thêm 70 - 80cm.
Từ những tín hiệu khả quan bước đầu, năm 2021, huyện Văn Chấn chủ trương mở rộng mô hình trồng mắc ca. Theo đó, huyện đã phê duyệt và triển khai đề án trồng cây mắc ca xen chè tại 5 xã, thị trấn, gồm xã Gia Hội, Nậm Búng, Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ trồng trên 400ha cây mắc ca xen chè.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 56,66ha cây mắc ca, trong đó, có 51,66ha trồng tập trung, 5ha trồng xen canh với chè. Do mới trồng nên sản lượng thu hoạch còn ít. Tuy nhiên, kết quả bước đầu cũng cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Sau khi khảo sát, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đánh giá Yên Bái là tỉnh có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp để trồng cây mắc ca, đặc biệt là tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Hợp tác phát triển cây mắc ca
Mới đây, làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, đã nhất trí chủ trương phát triển cây mắc ca tại Yên Bái. Cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện để Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thế Phước đề nghị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tiếp tục phối hợp với địa phương khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca để từ đó tỉnh xem xét, xác định diện tích trồng cây mắc ca phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ông đề nghị Hiệp hội giới thiệu các dòng mắc ca phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh cũng như hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người dân. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Phước cho biết sẽ tổ chức thống kê, đánh giá kết quả sản xuất trồng mắc ca trong thời gian qua. Từ đó, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế hạt mắc ca theo quy định của Bộ NN&PTNT. Tỉnh cũng sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nhằm tạo ra hình mẫu, làm nòng cốt trong phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội, cho biết, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết sẽ cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con trồng mắc ca tại địa phương.
UBND tỉnh Yên Bái đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện đề tài khoa học “Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái” để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số loài cây mắc ca với 2 phương thức là trồng thuần loài và trồng xen kẽ. Cụ thể, tổ chức triển khai tại 3 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải trên diện tích 12ha, trong đó, 8ha trồng thuần loài và 4ha trồng xen chè. |