|
  • :
  • :

Ưu tiên phân bón phục vụ nhu cầu trong nước

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao thời gian qua, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp (DN) sản xuất hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn nhập khẩu, ưu tiên phục vụ nhu cầu trong nước.

Cung không thiếu, giá vẫn tăng

Tại Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - nhận định, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, gia tăng nhu cầu phân bón.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy, gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ. 7 tháng năm 2021, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 3,97 triệu tấn phân bón, tiếp đó, chỉ 7 tháng năm 2021, lượng nhập khẩu đã là 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ năm trước. "Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung-cầu đứt gãy khi nguồn cung phân bón còn dư" - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Ưu tiên phân bón phục vụ nhu cầu trong nước

Nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu

Dưới góc độ DN, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - khẳng định, nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm. "Nguyên nhân chính của giá phân bón tăng là do chi phí sản xuất 7 tháng tăng rất cao như: Lưu huỳnh tăng 170%, Amoniac tăng gấp 2 lần… cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ dịch Covid-19" - ông Chuyên chỉ ra.

Phát huy tối đa công suất

Để ưu tiên phân bón phục vụ nhu cầu trong nước, đa số các DN sản xuất phân bón hiện đã chạy hết công suất, thậm chí một số nhà máy có thời điểm chạy 105% công suất thiết kế. Đồng thời, giảm thời gian sửa chữa để cung ứng nhanh, sớm nhất cho thị trường.

Ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho rằng, hiện đơn vị đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhưng nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì từ 100 - 110% công suất. Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến DN.

Nhìn nhận vấn đề, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã nhận thức rõ tác động của việc tăng giá phân bón. Do vậy, ngay quý I/2021, liên bộ đã làm việc với các DN, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước và đề nghị giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước. Cụ thể, liên bộ đã thống nhất nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều hình thức như: Giảm giá thành sản phẩm; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị, các DN sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu cung cấp đầy đủ nhu cầu phân bón cho thị trường.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu, các DN sản xuất phân bón phải chủ động giải pháp đảm bảo lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông -Xuân sắp tới.

Lan Anh

Tác giả: Lan Anh
Nguồn: https://congthuong.vn/uu-tien-phan-bon-phuc-vu-nhu-cau-trong-nuoc-162408.html
Tin liên quan