|
  • :
  • :

Vận động nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP

Năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy Phụng Hiệp đã phối hợp triển khai, thực hiện có hiệu quả mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP” tại Hợp tác xã (HTX) Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành.

 

Sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP giúp các thành viên HTX Thạnh Mỹ B tiết giảm chi phí từ 10% đến 20%.

Khẳng định hiệu quả sản xuất bước đầu

Khi tham gia thực hiện mô hình, các thành viên HTX sẽ được ngành chuyên môn, doanh nghiệp hướng dẫn quy trình sản xuất lúa VietGAP và chi phí xây kho để thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; trang bị đồ bảo hộ lao động, thùng rác chứa chất thải, vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; bể lắng rửa dụng cụ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tủ thuốc gia đình. Ngoài ra, tổ chức tập huấn kỹ thuật viết “Nhật ký sản xuất” cho từng thành viên tham gia thực hiện mô hình này.

Xã viên Phạm Văn Dũng là một trong số hàng chục thành viên HTX đăng ký tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chia sẻ: “Mỗi khi ra đồng, chúng tôi đều mang theo sổ để ghi chép cụ thể về các khâu chăm sóc, nhất là phải ghi chép và kiểm tra chặt chẽ về thời điểm phun thuốc. Sau khi phun xịt, vỏ chai, bao bì đựng thuốc không vứt bừa bãi như trước đây mà được để đúng nơi quy định. Nhờ đó, góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng”.

Còn theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Thạnh Mỹ B, những điểm khác biệt đầu tiên của quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP so với sản xuất truyền thống là về phân bón. Cụ thể, các xã viên sẽ bón phân hữu cơ nhưng với lượng phù hợp bên cạnh một ít phân NPK. Lợi ích của việc bón phân hữu cơ so với các loại phân khác là sau khi bón, tỷ lệ sâu bệnh gây hại trên cây lúa đạt ở mức thấp, nhờ đó giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.

Điểm khác biệt nữa của mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là nguồn nước cung cấp cho đồng ruộng luôn được chủ động thông qua hệ thống đê bao khép kín, trạm bơm điện. Ngoài phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật thì lượng giống lúa gieo sạ cũng được tiết giảm đáng kể, chỉ 8kg lúa giống/công so với quy trình canh tác bình thường là 12kg/công. Nhờ vậy mà giúp người trồng lúa hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác.

“Đầu tư vốn cho sản xuất, người dân dễ nhận ra chính là làm một công ruộng theo phương pháp truyền thống phải chi từ 800.000 đồng đến 900.000 đồng để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; còn sản xuất theo chuẩn VietGAP các chi phí đó được giảm từ 10% đến 20%. Nhất là an toàn cho sức khỏe người lao động, trong khi sản phẩm làm ra an toàn do gạo sạch, đối với môi trường đồng ruộng được sạch, thông thoáng hơn”, ông Lê Văn Hùng cho biết thêm.

Tiếp tục mở rộng quy mô diện tích

Cũng theo ông Hùng, hiện HTX Thạnh Mỹ B có hơn 100 thành viên tham gia sản xuất lúa hàng hóa theo hướng an toàn. Riêng trong vụ lúa Đông xuân 2021-2022 này, có 39 hộ thành viên của HTX đăng ký tham gia sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích là 50ha loại giống Đài Thơm 8. Toàn bộ diện tích đều được liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Không chỉ các thành viên thực hiện mô hình đã làm quen với quy trình canh tác lúa hàng hóa an toàn mà HTX còn được doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP. “Đây là tiền đề quan trọng để HTX tiến tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gạo sạch cũng như phối hợp tuyên truyền, vận động các thành viên còn lại tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện mô hình trên quy mô toàn bộ diện tích hiện có của HTX”, ông Hùng khẳng định.

Ông Trần Văn Nghiêm, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, cho biết, với mục tiêu nâng dần chất lượng hạt gạo, giảm ngày công lao động cho nông dân, năm qua, đơn vị chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện, Tổ Khuyến nông xã Bình Thành và Ban Quản trị HTX Thạnh Mỹ B tuyên truyền, vận động các hộ dân trong HTX mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện mô hình điểm này để làm cơ sở phát triển, nhân rộng về sau.

Nếu xét về số lượng thành viên tham gia và quy mô diện tích canh tác thì đến nay, HTX đều thực hiện vượt cao so với các chỉ tiêu đề ra ban đầu. Theo đó, có 39/20 thành viên, còn diện tích đạt 50/30ha. Trên cơ sở đó, ông Trần Văn Nghiêm cho rằng tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành tổ chức vận động và giám sát việc thực hiện sản xuất theo quy trình, hướng dẫn của doanh nghiệp đối với các thành viên tham gia sản xuất lúa VietGAP.

“Thời gian qua, HTX Thạnh Mỹ B được trên quan tâm đầu tư hỗ trợ xây nhà kho, bến bãi, lò sấy, hệ thống cống hở, trạm bơm điện, đê bao khép kín, hệ thống giao thông... Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để các xã viên bước đầu sản xuất lúa hàng hóa an toàn. Vì vậy tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp với ngành chuyên môn các cấp giới thiệu giống lúa hợp thổ nhưỡng, doanh nghiệp có đủ năng lực bao tiêu sản phẩm của HTX”, ông Nghiêm thông tin thêm.

Thông qua những kết quả tích cực bước đầu, mô hình “Sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP” không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa trong dân mà còn giúp củng cố, nâng chất các mô hình kinh tế hợp tác, đảm bảo theo Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Huyện ủy.

Theo Ban Dân vận Huyện ủy, qua phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2021, toàn huyện có 10 cá nhân và 71 tập thể đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tiêu biểu như: Mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” của cán bộ Công an huyện Phạm Tuấn Duy; “Hũ gạo nghĩa tình nông dân” và “Vận động người dân góp vốn mua bảo hiểm y tế cho hội viên nghèo” của Hội Nông dân huyện; vùng lúa chất lượng cao ở ấp Mỹ Thành A, xã Hòa Mỹ...

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/van-dong-nong-dan-san-xuat-lua-theo-tieu-chuan-vietgap-104814.html
Tin liên quan