|
  • :
  • :

Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN

Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó Covid-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Dự kiến công bố, thông qua 101 văn kiện

Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam, Chủ tịch ASEAN năm 2021, từ ngày 26-28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Nga), Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 14/17 hoạt động trong chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong Chính phủ

Hội nghị Cấp cao với các đối tác lần này là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.

Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việc tham gia các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này của Việt Nam cũng thể hiện rõ mong muốn của Việt Nam đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần này dự kiến sẽ công bố/thông qua/ghi nhận 101 văn kiện (công bố 10 văn kiện, thông qua 25 văn kiện, ghi nhận 66 văn kiện), bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.

Với chủ đề năm ASEAN 2021 là “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”, ASEAN tiếp tục tập trung thúc đẩy các nội dung ưu tiên về xây dựng Cộng đồng ASEAN, gồm các sáng kiến 2021 do nước Chủ tịch Brunei đề xuất như: Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Đề cao Chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Chiến lược hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho ASEAN…

Các nội dung về xây dựng Cộng đồng năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng được duy trì và thúc đẩy, nổi bật là sáng kiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN.

ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và Quy chế hoạt động của Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) xây dựng tầm nhìn. Theo lộ trình, các nước sẽ cử đại diện tham gia Nhóm HLTF trước ngày 15/12/2021 và sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2022. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Nhóm HLTF xây dựng Tầm nhìn.

ASEAN cũng sẽ tiến hành đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN trên cơ sở Báo cáo phạm vi đã được thông qua nhằm rà soát hoạt động của bộ máy ASEAN, hướng tới nâng cao hiệu quả vận hành của ASEAN. Ngoài ra, hợp tác tiểu vùng (trong đó có Mekong) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy kết nối, phát triển đồng đều và phục hồi bền vững là nội dung thu hút được sự quan tâm của các nước.

2305-asean-3

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tổ chức tại Việt Nam ngày 12/11/2020

Thúc đẩy hợp tác ứng phó dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch

Trong hợp tác ứng phó Covid-19, dự kiến tại chuỗi Hội nghị lần này, ASEAN sẽ thống nhất và chia sẻ nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện năng lực y tế công cộng, quản lý thảm họa y tế, thúc đẩy tiếp cận vaccine đầy đủ, kịp thời với các nguồn vaccine, đẩy nhanh tiêm chủng rộng rãi để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực Đông Nam Á đang gia tăng.

Cùng với đó, ASEAN hướng tới hình thành chuỗi cung ứng và tự cường vaccine trong khu vực. Thái Lan, Singapore và Việt Nam là ba quốc gia duy nhất của ASEAN đang tự chủ nghiên cứu, phát triển vaccine. ASEAN đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong ứng phó Covid-19 và nhận được nhiều cam kết hỗ trợ về cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Song song với ứng phó dịch bệnh, trong thúc đẩy phục hồi, ASEAN chú trọng ổn định và duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi số thích ứng với điều kiện mới.

Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) dự kiến sẽ được ghi nhận tại Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39. Đây là sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch Covid-19, hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của ASEAN.

Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) đang được triển khai nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN. Hiện nay, ASEAN tập trung nâng cao năng lực y tế công cộng của khu vực, tối đa hóa các tiềm năng của thị trường nội khối và đẩy mạnh liên kết kinh tế, tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.

Thu Phương

Tác giả: Thu Phương
Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-tiep-tuc-tham-gia-chu-dong-dong-gop-trach-nhiem-vao-cong-viec-chung-cua-asean-166289.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin