|
  • :
  • :

Vụ mía mới, nỗi lo cũ ?

Năm nay, nông dân vùng mía ở Hậu Giang cảm thấy phấn khởi, vì sau nhiều năm thua lỗ thì cây mía đã bắt đầu mang lại vị ngọt. Tuy nhiên, niềm vui đó chưa được trọn vẹn thì nỗi lo đầu tư vụ mía mới lại khiến không ít nông dân lo lắng. Chính vì thế, một giải pháp đồng bộ sẽ giúp nông dân trồng mía trong tỉnh tiếp tục gắn bó với loại cây trồng này.

Chi phí mía giống và nhân công đào hộc đều tăng hơn so với mọi năm. Ảnh: D.KHÁNH

Chi phí đầu tư tăng

Vừa thu hoạch xong 1ha mía, bà Nguyễn Thị Lành, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã tất bật dọn dẹp rẫy mía, tiến hành đào hộc để xuống giống vụ mới. Theo bà Lành, tranh thủ xuống giống vì vụ rồi nhà máy đường vào vụ trễ, sợ kéo dài sẽ không kịp cho vụ sau. Mặt khác, trồng sớm vì sợ đông keng giá mía giống và nhân công đào hộc sẽ tiếp tục tăng.

Bà Lành cho biết thêm: “Hễ năm nào giá mía tăng thì năm đó chi phí sản xuất vụ mới cũng đội lên vài phần. 1ha mía của gia đình bán xong trừ hết các khoản chi phí lãi chưa đến 20 triệu đồng, chỉ đủ để mua mía giống cho vụ sau, còn các khoản chi phí khác phải tiếp tục vay mượn. Ở đây không trồng mía thì nông dân cũng không biết trồng cây gì. Bởi nhiều năm thua lỗ với cây mía, bà con cũng không còn tiền để đầu tư cho việc chuyển đổi”.

Cũng trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như bà Lành, bà Nguyễn Thị Nương, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cũng không còn cách nào khác phải tiếp tục gắn bó với cây mía. Bởi theo bà Nương, khu vực này được quy hoạch trồng mía, nông dân cũng đã lên liếp để phù hợp canh tác loại cây trồng này nên hiện nay cũng khó tìm được cây trồng khác để thay thế. Còn nếu tiếp tục gắn bó với cây mía thì phải chịu cảnh bán thì rẻ mà đầu tư thì ở mức cao.

Nếu mọi năm, giá mía bán tại ruộng ở mức 900 đồng/kg thì khi đầu tư vụ mới, mía giống chỉ ở mức 1.500 đồng/kg, nhân công đào hộc ở mức 1.000 đồng/m. Nhưng năm nay giá mía tại ruộng nhích lên được 1.100 đồng/kg thì chi phí mía giống và nhân công đào hộc cũng tăng lên đáng kể. Bà Nương cho biết thêm: “Gia đình gắn bó với cây mía gần 20 năm, nhưng mỗi mùa vụ qua đi đều mang những nỗi buồn khác nhau. Cách đây khoảng 10 năm, giá mía tuy thấp nhưng tính ra người trồng mía vẫn có lãi. Nhưng bây giờ giá mía ở mức hơn 1.000 đồng/kg thì chi phí quá cao, tính ra người trồng mía không có lãi”.

Theo thống kê, trên những diện tích mía đã thu hoạch, nông dân ở huyện Phụng Hiệp đã bắt đầu xuống giống. Giá mía giống được các thương lái chở từ huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, về bán lại cho nông dân trồng mía trong huyện với giá dao động từ 1.700-1.800 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Song song đó, chi phí nhân công đào hộc mía vụ này cũng ở mức 1.200-1.300 đồng/m, tăng 300 đồng/m so với mọi năm. Với tập quán sản xuất, một công mía trồng khoảng 1 tấn giống, có nơi ở mức 1,2 tấn. Năm nay, để xuống giống được một công mía, chi phí mía giống và nhân công đào hộc tương đương 4 triệu đồng, tăng gần 1 triệu so với năm trước. Với diện tích trồng mía hơn 4.500ha năm nay, nông dân Phụng Hiệp phải gánh chịu chi phí tăng thêm 45 tỉ đồng. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mới vào vụ sản xuất nhưng chi phí tăng cao khiến nông dân trồng mía năm nay cũng không mặn mà. Bởi ngoài chi phí mía giống, nhân công đào hộc tăng thì phân bón năm nay cũng tăng mạnh. Nếu chủ động giảm phân bón thì năng suất mía sẽ bị giảm, đường nào nông dân cũng gặp khó”.

Thực hiện nhiều chính sách cho người trồng mía

Để giúp nông dân chủ động trong sản xuất mía trong vụ mới, vừa qua Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã công bố chính sách đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu vụ 2021-2022 với diện tích khoảng 2.000ha ở Hậu Giang và Kiên Giang, trong đó tỉnh Hậu Giang chiếm khoảng 1.800ha. Theo đó, khi hộ dân trồng mía có nhu cầu thì đăng ký với Casuco, sẽ được công ty đầu tư bằng tiền hoặc hiện vật như cải tạo đất, giống mía và phân bón… và thế chấp bằng sản lượng mía giao cho nhà máy. Giá trị đầu tư quy đổi bằng tiền cho mía trồng mới không quá 58,2 triệu đồng/ha, mía trồng lại không quá 38,2 triệu đồng/ha và 26,2 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc. Đến vụ, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía theo hợp đồng đã ký với giá bảo hiểm 1.000 đồng/kg mía sạch 10 chữ đường tại ruộng. Nếu giá mía thị trường cao hơn giá bảo hiểm, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua theo giá thị trường, ngược lại sẽ mua theo giá bảo hiểm. Thời gian thực hiện các hợp đồng đầu tư bao tiêu từ tháng 11-2021 đến 4-2022. Thời gian vào vụ ép mía niên vụ mía năm 2021-2022 sẽ bắt đầu và kéo dài từ tháng 10-2022 đến 1-2023.

Dù giá thu mua tăng nhưng chi phí đầu tư tăng vọt làm cho người trồng mía ít lợi nhuận. Ảnh: T.TRÚC

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để giúp nông dân tiếp cận với các chính sách mới của nhà máy đường, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện đã làm cầu nối để nông dân làm việc trực tiếp với doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đầu tư và bao tiêu”.

 Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc liên kết với công ty, để tiết giảm chi phí ở những khu vực được quy hoạch, nông dân có thể chuyển từ việc trồng mía đường sang trồng mía làm nước ép để giảm chi phí nhân công thu hoạch. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất bà con cũng nên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía, sử dụng cơ cấu giống cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, bón phân cân đối theo từng giai đoạn phát triển của cây mía. Song song đó, ở thời điểm tuổi mía còn nhỏ bà con có thể áp dụng việc trồng xen cây màu để lấy ngắn nuôi dài, từ đó có thêm chi phí đầu tư cho cây mía.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tùy vào hoàn cảnh thực tế của địa phương và trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương có vùng mía nguyên liệu để điều chỉnh tăng giá thu mua mía trong vụ ép sắp tới. Việc đưa ra mức giá thu mua mía phải cân nhắc sao cho đảm bảo bù đắp đủ chi phí đầu tư, nhằm tạo ra nguồn thu nhập đủ sống cho bà con nông dân với cây mía, qua đây giúp nông dân yên tâm phát triển, phục hồi vùng nguyên liệu. Ngoài ra, giá thu mua mía cũng cần xây dựng đảm bảo cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng chính tại địa phương. Có như vậy mới giúp nông dân an tâm đồng hành cùng với nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam…

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, trong năm 2022 này sẽ quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, đồng thời tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp với chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chủ yếu là bán mía nước… Diện tích trồng mía vụ này khoảng 4.000ha, năng suất khoảng 100 tấn/ha, sản lượng đạt 400.000 tấn.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/vu-mia-moi-noi-lo-cu--103916.html
Tin liên quan