Anh Phạm Đình Nguyên ứng dụng công nghệ cao vào nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai, thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án như Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác xây dựng dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,...
Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn quan tâm kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo đảm đầu ra của sản phẩm, nông dân an tâm sản xuất. Đáp lại sự nỗ lực của tỉnh, nhiều nông dân thay đổi cách thức sản xuất. Đến ngày 31/8/2021, toàn tỉnh có 202 HTX nông nghiệp (tăng 2 HTX so với thời điểm 31/12/2020), trong đó có 177 HTX đang hoạt động. Tổng vốn điều lệ trên 159,2 tỉ đồng với 4.540 thành viên (TV).
Anh Phạm Đình Nguyên (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) cho biết: Gia đình của anh vừa xuất chuồng 8 con bò vỗ béo thu về trên 400 triệu đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thị trường có nhiều biến động. Giá bò bán ra giảm 2.000 đồng/kg so với thời điểm bình thường, song người dân vẫn có lãi khá. Hiện trại bò của anh Nguyên còn 19 con bò. Năm 2015, anh bắt đầu nuôi bò theo phương pháp truyền thống. Đến năm 2017, anh tham gia mô hình điểm nuôi bò ƯDCNC tại xã Mỹ Thạnh Bắc. Theo đó, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua máy móc, thay đổi con giống, đa dạng thức ăn cho bò,... Nếu như trước đây, nuôi bò vỗ béo phải 7-8 tháng mới xuất chuồng thì nay anh Nguyên chỉ mất khoảng 3-4 tháng.
Cách trại bò của anh Nguyên khoảng 60km là 0,5ha đất trồng rau màu của bà Lê Thị Hồng (ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa). Nhận thấy những lợi ích của việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bà Hồng tham gia HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa và được hướng dẫn lịch gieo sạ rau màu, cách thức sản xuất, thực hiện đúng các quy trình theo chuẩn VietGAP. “HTX cam kết đầu ra cho rau màu nên nông dân yên tâm. Thời gian qua, HTX luôn đưa ra mức giá cam kết khi tiêu thụ, song tùy thời điểm mà mức thu mua sẽ tăng hoặc giảm. Mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mức tiêu thụ ít hơn trước” - bà Hồng kể.
Nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động tưới tiêu cho rau. (Ảnh: Bùi Tùng)
Gắn bó với cây thanh long 15 năm, ông Nguyễn Văn Hội là TV kỳ cựu của HTX Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành). Ông trồng gần 2ha thanh long ruột đỏ. So sánh quy trình sản xuất với trước đây, ông Hội nhận định: “Ngày nay, nông dân tiếp nhận ƯDCNC giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tiết kiệm được chi phí tưới tiêu, phân bón, công lao động,... Liên kết, hợp tác trong sản xuất là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững”.
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ
Được thành lập năm 2018 với 16 TV, hiện HTX Tây Hòa (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) có 32 TV. Năm 2019, HTX Tây Hòa đạt chứng nhận VietGAP trong nuôi bò thịt. Cũng trong năm 2019, HTX được hỗ trợ xây dựng hạ tầng với tổng kinh phí gần 589 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tây Hòa - Nguyễn Văn Ninh chia sẻ: “Hiện số lượng bò trong HTX dao động trên dưới 200 con. Việc ƯDCNC vào chăn nuôi giúp người nuôi giảm nhân công, rút ngắn thời gian xuất chuồng, liên kết tiêu thụ bò đạt hiệu quả, không xảy ra tình trạng ép giá”.
Theo Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân - Phan Thanh Sơn, HTX đang hoạt động với 2 dịch vụ là cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ thanh long. Hiện HTX có 115 TV, tăng 58 TV so với đầu nhiệm kỳ. Tổng diện tích thanh long được công nhận VietGAP là 66,3ha; tổng diện tích thanh long đăng ký ƯDCNC là 380,55ha với 584 hộ tham gia (tăng 39 hộ với 25,8ha so với năm 2020).
“HTX phấn đấu đến cuối năm 2021 lập hồ sơ nhân rộng mô hình VietGAP thêm 22,6ha; vận động thêm nhiều nông dân tham gia vào HTX. Đồng thời, HTX liên kết chuỗi với tập đoàn Nafoods Group tiêu thụ sản phẩm cho TV và nông dân; hợp tác với nhiều công ty cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho người dân sử dụng với giá gốc chất lượng” - ông Sơn thông tin thêm.
Công nhân tham gia đóng gói thanh long trước khi tiêu thụ. (ảnh tư liệu: Huỳnh Phong)
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, bên cạnh tạo thu nhập ổn định cho người dân, xây dựng chuỗi giá trị tốt sẽ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng; đồng thời, tạo môi trường sản xuất sạch, hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, giảm rác thải trong sản xuất, giảm khí thải,...
“Tuy nhiên, hiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gặp không ít khó khăn. Thời gian tới, để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; chú trọng xây dựng mô hình sản xuất tập trung kết hợp với bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân phát triển các vùng sản xuất lúa, rau, tôm chất lượng cao, chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng hàng hóa, tạo thương hiệu, đặc biệt là các sản phẩm OCOP” - bà Khanh nhấn mạnh./.
Hoài An