Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Siết luật' để sách giả không còn lộng hành

Tình trạng sách lậu, sách giả bán tràn lan ở các hiệu sách hay trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người đọc mà còn ảnh hưởng đến các nhà xuất bản, tác giả làm ăn chân chính. Thế nhưng nghịch lý hiện nay là lợi nhuận thu được từ sản xuất kinh doanh sách lậu lớn nhưng chế tài xử phạt còn mỏng nên chưa tạo ra sự răn đe để làm "sạch" thị trường sách.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ và Nhận hối lộ”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả với số lượng đặc biệt lớn để bán thu lời.

Chỉ 3% người đọc quan tâm chất lượng sách

Đây chỉ là một trong những vụ buôn bán và sản xuất sách giả có quy mô lớn bởi thực tế cho thấy, sản xuất và buôn bán sách giả vẫn đang "nhộn nhịp" trên thị trường. Sách, truyện giả không chỉ bán nhan nhản tại các cửa hàng mà còn được rao bán trên các trang mạng xã hội với giá rẻ hơn 30- 50% so với giá thị trường.

Những loại sách này có giá rẻ hơn sách thật vì các đối tượng sản xuất chỉ mất chi phí in ấn. Chính vì vậy, lợi nhuận kiếm được từ sách giả là không hề nhỏ nên rất hấp dẫn những kẻ làm ăn phi pháp.

Chẳng hạn như vụ sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả đang được Bộ Công an điều tra trên, ngoài 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả, 3 máy in, hơn 1,5 triệu tem giả và khoảng 20 tỷ đồng thì nhóm sản xuất sách giả này đã thu lợi bất chính gần 50 tỷ đồng.

Sách giả thường được in khá cẩu thả, thiếu trang, thiếu chữ, chất lượng giấy kém..., ảnh hưởng đến thị lực của người xem, chưa kể nội dung còn bị sai lệch, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất sách chân chính.

Hậu quả là không nhỏ nhưng có một sự thật là hiện nay rất ít người quân tâm đến chất lượng sách. Một khảo sát của Nhà xuất bản Giáo Dục cho thấy, chỉ có khoảng 3% người đọc quan tâm đến sách giả-thật khi mua hàng. Như vậy, có thể thấy phần lớn người đọc hiện nay vẫn chưa có văn hóa tôn trọng bản quyền. Họ sẵn sàng mua sách giả với giá rẻ thay vì mua sách có bản quyền bán tại các cửa hàng uy tín.

schgia30621-9243-1649843945.jpg

Tình trạng kinh doanh sách giả vẫn đang "nhộn nhịp" trên thị trường.

Theo các chuyên gia, nếu người tiêu dùng không chủ động kiểm tra chất lượng thì dù có dán tem trên sách cũng sẽ không giúp kiểm soát tình trạng sản xuất và buôn bán sách giả. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ (khả năng xử lý của máy móc, phần mềm, mạng internet, thương mại điện tử…) cũng đang là mặt trái giúp sức cho các hoạt động in, phát hành xuất bản các ấn phẩm lậu dễ dàng hơn quy mô và tốc độ lan truyền ngày càng lớn hơn.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết trước đây, chỉ có vài đầu sách thuộc thể loại truyện của đơn vị này làm giả, nhưng những năm gần đây số lượng lên đến 70%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và uy tín của nhà xuất bản. Cụ thể là năm 2021 vừa qua, doanh thu của Kim Đồng đã giảm đến 40%.

Luật vẫn “giơ cao đánh khẽ”

Thực tế, để hạn chế tình trạng sản xuất buôn bán sách giả, sách lậu, Nhà nước đã có các quy định pháp luật như Luật Xuất bản năm 2012, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.

Theo đó, hành vi in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm bị nghiêm cấm thực hiện theo Điều 10 của Luật Xuất bản 2012. Ngoài ra, Điều 27 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP cũng quy định, đối với hành vi in sách lậu, mức phạt sẽ tăng dần theo số lượng in ấn. Việc in ấn, phát hành sách giả, sách lậu còn bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015…

Tuy đã có hành lang pháp lý, nhưng theo các chuyên gia vẫn có những chế tài và mức phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh sách giả, sách lậu chưa thực sự đủ lớn.

Cụ thể là tại Nghị định 159/2013 quy định hành vi in lậu, in giả từ 300 bản trở lên mới bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức. Còn tại Điều 344 Bộ luật Hình sự quy định mức xử phạt hành chính có thể lên đến 300 triệu đồng nếu phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo các chuyên gia, những quy định trên cho thấy mức xử phạt hành chính còn quá nhỏ, không đủ mạnh để hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán sách giả. Và điều này đồng nghĩa với việc dù vụ buôn bán sách giả có lớn đến đâu, thu lợi tiền tỷ thì mức xử phạt hành chính cao nhất cũng chỉ 300 triệu đồng.

Không chỉ có chế tài chưa đủ mạnh về mức xử phạt hành chính, nhiều luật liên quan đến việc kiểm tra, quản lý tình trạng sản xuất, buôn bán sách giả vẫn còn bất cập.

Chẳng hạn như Luật Kiểm tra hành chính quy định, nếu ngành chức năng muốn kiểm tra theo kế hoạch phải báo trước cho đơn vị sản xuất kinh doanh sách 7 ngày. Quy định như vậy chẳng khác gì báo trước cho những đơn vị sản xuất tẩu tán và còn đâu sách lậu để kiểm tra.

Luật này cũng quy định không được kiểm tra ban đêm trừ trường hợp có bằng chứng cụ thể, có Chủ tịch UBND cấp quận huyện trở lên ký lệnh. Các ngành chức năng cho rằng, việc buôn bán sản xuất sách lậu với số lượng lớn nên thường diễn ra vào ban đêm. Trong khi quy định trong Luật Kiểm tra hành chính có mục đích là tránh gây nhũng nhiễu doanh nghiệp nhưng lại khiến cơ quan chức năng khó kiểm tra, xử lý tình trạng in sách lậu.

Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những đối tượng thực hiện sản xuất kinh doanh sách lậu nhằm đảm bảo trật tự trong lĩnh vực in ấn các loại sách, truyện, phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục - đào tạo, tuyên truyền…

Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thành Anh, cho biết thị trường sách giả, sách lậu tràn lan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các đơn vị phát hành, doanh nghiệp làm sách, nhà xuất bản. Sách, truyện cũng là tri thức và nếu có chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và dân trí của một quốc gia.

“Do đó để cải thiện tình trạng này, các mức xử phạt cần tạo được sức răn đe, tránh xử phạt theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" khiến các đối tượng nhờn luật”, ông Anh chia sẻ.

Tùng Lâm


Tác giả: Chỉ 3% người đọc quan tâm chất lượng sách
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết