Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

30/4 suy ngẫm về gạt bỏ hận thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai

Những thành tựu của Việt Nam sau 48 năm thống nhất là không thể phủ nhận, do đó hãy gạt bỏ hận thù để chung tay hành động vì tương lai Việt Nam.

Hãy chấm dứt những tư tưởng thù địch

Đã 48 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng đồng lòng xây dựng đất nước hòa bình, ổn định, phát triển. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, kiệt quệ sau chiến tranh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kinh tế xã hội Việt Nam không ngừng vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về tăng trưởng ở khu vực và trên thế giới; được Liên hiệp quốc và các quốc gia, các tổ chức uy tín của quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Nhưng những kẻ tự xưng là "bất đồng chính kiến", chống phá Việt Nam dường như lại không muốn thế. Chúng đang tìm mọi cách để khơi gợi, khoét sâu mâu thuẫn nhằm chia rẽ đoàn kết, mất ổn định xã hội.

Những biểu hiện dễ thấy đầu tiên đó là tư tưởng của những người - tạm gọi là "ở phía bên kia". Mấy chục năm qua họ ôm hận, xây dựng phong trào “quốc hận”, dã tâm thực hiện “cách mạng trắng”, để hoàn thiện giấc mơ phục hồi chế độ Việt Nam Cộng hòa, quay về “mái nhà xưa”.

Gần đây, trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đăng những bức ảnh về TP. Sài Gòn trước năm 1975 để đối sánh với cảnh tắc đường ở Sài Gòn hiện nay. Họ làm ra vẻ đau xót khi mất “hòn ngọc Viễn Đông”. Một số người đăng các thông tin về "tính ưu việt" dưới thời chế độ Sài Gòn: Học sinh được miễn học phí, được uống sữa thoải mái; người dân được khám, điều trị bệnh miễn phí… và được hưởng những gói an sinh xã hội khác rất tân tiến. Một số người ở chế độ Sài Gòn di tản ra nước ngoài sinh tâm tưởng làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc để thể hiện sự tiếc nuối, đồng thời đả phá Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với giọng điệu vô cùng cay cú, sặc mùi thù hận. Họ than thở và trút giận vào ông chủ Nhà Trắng vì đã “cắt bầu sữa” viện trợ giữa lúc nước sôi lửa bỏng để họ phải bơ vơ mà đối chọi với Cộng sản rồi mất đi “không gian sinh sống màu mỡ” và phải tha hương, cầu thực nơi đất khách quê người…. Điển hình cho những “bài điếu” ai oán ấy có thể kể đến hàng loạt cái tên như Trịnh Khánh Tuấn, Kiều Vũ, Vũ Thái An, Lê Kim Anh, Lý Bích Thủy, Nguyễn Thị Hồng, Võ Thị Linh.

Kiều Vũ kêu than: “Tiếc nhớ Việt Nam cộng hòa/Nhân bản khai phóng tự do dân quyền/Một thời thịnh trị thái hòa/Viễn Đông hòn ngọc rạng ngời năm châu/“Định mệnh” nghiệt ngã thảm sầu/Chìm trong giông bão tiếng thơm mãi còn!…"; còn Trịnh Khánh Tuấn thì viết: “Giờ đây khi tháng tư đen về, chúng tôi phải ngồi viết lại những góc khuất, những đau thương của một nước nhược tiểu của cuộc chiến vừa qua, nhằm trao lại cho các cháu hậu duệ Việt Nam Cộng hòa còn tâm huyết, để có thêm những kinh nghiệm cho con đường quang phục tổ quốc sau này..." (!!!???)

Thực tế là bên cạnh cái gọi là "ưu điểm" mà chế độ Việt nam Cộng hòa mang lại cho số ít người, không thể chối bỏ những sự hỗn loạn, tham nhũng, độc tài, chết chóc mà chính quyền ấy gây ra với người dân miền Nam. Từ năm 1955 đến trước tháng 4-1975, xã hội ấy được Mỹ bơm 10 tỷ USD viện trợ kinh tế, 16 tỷ USD viện trợ quân sự và 10 tỷ USD của lính nước ngoài chi tiêu tại Nam Việt Nam đã khiến cho kinh tế của miền Nam Việt Nam ngày đó như quay cuồng trong cơn lốc tiêu dùng, hưởng thụ với hàng hóa tràn ngập thị trường; khác hẳn với miền Bắc bị phong tỏa tứ bề, liên tục bị hải quân, không quân Mỹ đánh bom, bắn phá trong nhiều năm. Ngay cả trẻ em ở các thành phố, đô thị ngoài miền Bắc phải sơ tán về thôn quê, phải đội mũ rơm đi học và học trong ánh sáng đèn dầu dưới hầm sâu, trong địa đạo trong khi trẻ em con nhà giàu ở Sài Gòn hoa lệ được hưởng nhiều tiện nghi vật chất.

Khi lính Mỹ và đồng minh đổ vào miền Nam cùng với các phương tiện chiến tranh để thực hiện chủ trương "tìm diệt" và "bình định" đã khiến cho xã hội ấy rất hỗn tạp. Trong đó, hiện tượng buôn bán đã chuyển miền Nam từ nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp sang một dạng kinh tế thị trường. Nhưng vùng nông thôn vẫn là nơi chậm phát triển, ruộng vườn bị bỏ hoang do bom đạn và các trận càn chà đi xát lại. Còn nơi được gọi là "thành thị phồn hoa, đô hội" thì nhan nhản nạn buôn lậu, gái mại dâm, ma túy... phục vụ cho lính Mỹ và đồng minh. “Hòn ngọc viễn Đông” hào nhoáng chỉ dành tập trung quyền lợi vào tầng lớp chóp bu, gia đình quan chức và số ít thương nhân giàu có. Còn tuyệt đại bộ phận người dân miền Nam lúc đó, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đều rất nhọc nhằn, vừa lo kiếm sống, vừa phải chịu đựng bom đạn, giết chóc, nơm nớp lo âu về tệ nạn xã hội, nạn bắt lính quân dịch... Nhiều tài liệu lịch sử đã cho thấy, trong chính quyền Việt Nam cộng hòa từ các chính khách, tướng lĩnh, dân biểu đa phần đều "giỏi" tham nhũng, cửa quyền, buôn lậu, áp-phe... Chính vì vậy, tiền viện trợ chiến tranh của Mỹ đổ vào miền Nam được ví như "muối bỏ biển" vì đã bị bòn rút phần lớn. Đến bây giờ, người dân miền Nam vẫn chưa quên những đường dây tham nhũng tiền viện trợ, buôn lậu, bảo kê kinh tế ngầm nổi tiếng của hàng loạt tướng lĩnh, sĩ quan, chính khách cấp cao thời Việt nam Cộng hòa. Những "tác giả" tự xưng "dân chủ", mơ "phục quốc" kể trên lẽ nào không biết, chưa bao giờ chính quyền Việt Nam Cộng hòa được lòng dân vì đã gây ra cuộc thanh trừng Phật giáo, cùng hàng loạt các cuộc đàn áp tàn bạo trí thức, báo giới, học sinh, sinh viên... Người viết bài này đã nhiều lần tiếp xúc với các cựu chiến binh là tù binh bị giam ở Nhà lao Cây Dừa (Phú Quốc), Côn Đảo (được mệnh danh là địa ngục trần gian)... nghe họ kể lại những kiểu tra tấn cực kỳ dã man như thời Trung cổ mà các cai ngục, binh lính Việt Nam cộng hòa đã sử dụng với đồng bào yêu nước, chiến sĩ cách mạng.

Đáng tiếc, sau mấy chục năm giải phóng, vẫn có kẻ cố tình lờ tịt sự thật lịch sử để dụng công tô vẽ, ca ngợi chế độ ấy một cách không biết ngượng. Biến thái hơn, có những đối tượng tạo ra các hội nhóm có "gu" chơi đồ trận lính ngụy, lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam bất chấp sự phản ứng gay gắt của xã hội. Điều này khiến cho những đối tượng, tổ chức chống phá Việt Nam dễ bề tìm mọi cách lôi kéo, móc nối, xây dựng lực lượng, nhằm chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong điều kiện thông tin bùng nổ, những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, thổi phồng đã phần nào tác động, tiêm nhiễm vào tư tưởng một bộ phận giới trẻ, gây nhầm lẫn về nhận thức và dẫn đến có hành vi, hành động vi phạm pháp luật, tàng trữ tài liệu, vật phẩm, tuyên truyền chống phá chính quyền nhân dân, chống phá Đảng. Chính vì vậy, đã có những người sinh sau năm 1975 tin vào “cái bánh vẽ dân chủ” mà lầm đường lạc lối, trở thành con bài cho mục đích chính trị đen tối. Điển hình có Phạm Đoan Trang, Phạm Minh Vũ, Trương Châu Hữu Danh và một số trí thức trẻ khác.

Ví dụ, tháng 8-2018, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 12 bị cáo là thành viên của tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (thành lập năm 1999 tại Mỹ) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đào Minh Quân (SN 1952, quốc tịch Mỹ, cựu quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa) là kẻ cầm đầu tổ chức trên.

Từ cuối năm 2013, Đào Minh Quân cùng các đối tượng "cốt cán" đã củng cố tổ chức và thực hiện nhiều kế hoạch tuyên truyền xuyên tạc chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng lôi kéo, móc nối thành lập tổ chức, phát triển lực lượng ở trong nước và đưa người từ nước ngoài về Việt Nam chỉ đạo thực hiện các hoạt động chống phá. Theo cáo trạng, các bị cáo Nguyen James Han (SN 1967, Việt kiều Mỹ), Phan Angle (SN 1956, quốc tịch Mỹ) được Đào Minh Quân cử về Việt Nam giữ vai trò chỉ huy, thực hiện móc nối, xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng, chỉ đạo các thành viên trong nước thực hiện các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Nguyen James Han được tổ chức phong cho hàm "Đại tá", giữ chức “chỉ huy phó chi nguyện đoàn toàn quốc”. Tháng 3-2017, Han gặp và được Đào Minh Quân trực tiếp giao nhiệm vụ về Việt Nam thực hiện các hoạt động chống phá vào dịp lễ 30-4-2017.

Ngoài tổ chức của Đào Minh Quân còn có rất nhiều những tổ chức khác, trong đó có tổ chức khủng bố “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” hay còn gọi tắt là Việt Tân có trụ sở chính đặt tại Mỹ và “Văn phòng 2” tại Băng Cốc, Thái Lan hoạt động rất ráo riết. Việt Tân có tổ chức cả các cơ quan tuyên truyền gồm báo “Kháng chiến”; đài “Việt Nam kháng chiến”, “Chân trời mới”.

Năm 1981, Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc hải quân chính quyền Sài Gòn cũ thành lập “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (gọi tắt là “Mặt trận”) nhằm chống Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang, khủng bố. Năm 1982, Hoàng Cơ Minh lập “Việt Nam canh tân cách mạng đảng”, là cơ quan đầu não, chỉ huy mọi hoạt động của “Mặt trận”; các thành viên “Mặt trận” đồng thời cũng là thành viên của “Việt Tân”.

Sau khi thành lập, “Việt Tân” đã tổ chức tuyển mộ, huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin…; tiến hành các chiến dịch “Đông tiến 1”, “Đông tiến 2”, “Đông tiến 3”, đưa các toán vũ trang với 246 đối tượng từ Thái Lan xâm nhập qua Lào, Campuchia về Việt Nam để lập “mật cứ”, tiến hành hoạt động bạo loạn, khủng bố nhưng đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam, Lào ngăn chặn, vô hiệu hóa.

Ở nước ngoài, “Việt Tân” thành lập “Đội sát thủ K9” do các thành viên cốt cán cầm đầu, chuyên tiến hành khủng bố, thủ tiêu những nhà báo gốc Việt đưa tin vạch mặt hoạt động lừa đảo kiều bào của Hoàng Cơ Minh và đồng bọn; trong đó, có ông Dương Trọng Lâm, chủ bút báo “Cái đình làng” tại San Fransisco và ông Nguyễn Đạm Phong, người sáng lập báo “Tự do” tại Houston.

Hiện nay, “Việt Tân” tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại; tán phát lên mạng internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát… Cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt, xử lý một số đối tượng là thành viên “Việt Tân” phạm tội khủng bố như Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Leon…

 

Gạt bỏ hận thù, khép lại quá khứ, chung tay hành động vì tương lai Việt Nam
Một kiểu kích động bạo loạn, phá hoại của tổ chức phản động (Ảnh tư liệu)

Quan điểm nhất quán về sự đoàn kết, sức mạnh dân tộc và thành tựu không thể phủ nhận

Trong nhiều tài liệu để lại chúng tôi thấy rằng, ngay từ những giờ phút đầu miền Nam được giải phóng, chúng ta đã có nhận thức đúng đắn về vấn đề về xây dựng đất nước Việt Nam, loại bỏ thù hận. Điển hình là tại buổi gặp Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn trước khi thả họ về gia đình, Thượng tướng Trần Văn Trà, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã nói: “Tôi hiểu tâm trạng của các anh, nhưng bây giờ không phải là lúc chúng ta nói về chuyện thắng thua. Cuộc chiến tranh đã kết thúc. Nước Việt Nam đã thống nhất. Nhiệm vụ trước mắt là phải tập trung kiến thiết, xây dựng đất nước bằng sức mạnh của cả dân tộc…!”.

Thực hiện chủ trương đổi mới mấy chục năm qua, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai bằng nhiều chủ trương, biện pháp hợp lòng dân. Kết quả đổi mới hơn 35 năm qua là bằng chứng sinh động chứng minh cho chủ trương đúng đắn ấy.

Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%[1], thì giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm[2]; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%[3]. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất [4]. Đặc biệt, trong năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9 %/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năm 2022, lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. Ước tính GDP năm nay tăng 8,02%, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Quý I năm 2023, GDP) tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm[5]. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm[6]. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm,… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá)[7].

Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới đã cho thấy Việt Nam Cộng hòa đâu phải là quốc gia giàu có so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cho dù được Mỹ bơm hàng chục tỷ USD như đã nói. Theo đó, năm 1960, GDP đầu người của Việt Nam Cộng hòa chỉ nhỉnh hơn chút ít so với Hàn Quốc và Thái Lan và thua kém các nước còn lại. Năm 1965, GDP đầu người của Việt Nam Cộng hòa chỉ cao hơn Indonesia và thua kém các nước còn lại. Năm 1970, GDP đầu người của Việt Nam Cộng hòa thua kém tất cả các nước còn lại. Từ năm 1973 đến 1975, GDP đầu người của Việt Nam Cộng hòa bị tụt rất xa so với tất cả các nước còn lại.

Gạt bỏ hận thù, khép lại quá khứ, chung tay hành động vì tương lai Việt Nam
Quận 1, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh LH)

35 năm đổi mới Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với nhiều nước, trong đó có tất cả các nước P5 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và hầu hết các nước chủ chốt trong trong khu vực và trên thế giới; đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Các đối tác FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Năm 2020 phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam - Anh)…

Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã gia nhập WTO, thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao, kinh tế với 190/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, WTO cùng với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam tham gia, là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập ngày càng đầy đủ, hiệu quả hơn.

Chỉ riêng trong lĩnh vực Công Thương, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Một số ngành đứng vững trên thị trường thế giới như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... Cơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngành năng lượng đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Chỉ số tiếp cận điện năng đã liên tục cải thiện và đứng thứ 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao môi trường kinh doanh.. Ngành dầu khí đáp ứng 75-80% nhu cầu về các sản phẩm xăng dầu trong nước và mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia. Ngành than cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất của các ngành kinh tế quan trọng trong nước. Cả 3 lĩnh vực: Điện, dầu khí và than đều nằm trong nhóm 10 ngành công nghiệp lớn nhất..

Về xuất khẩu, việc ký kết 15 FTA, trong đó có các FTA quan trọng như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…, và gần đây là FTA Việt Nam - Israel hoàn tất đàm phán đã đưa nước ta trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới; công tác kiểm soát nhập khẩu ngày càng có hiệu quả để bảo vệ sản xuất trong nước, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao. Thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh số hóa nền kinh tế và đang dần trở thành một động lực tăng trưởng mới của ngành.

Có thể nói, những kết quả mà Việt Nam làm được trong mấy chục năm đổi mới vừa qua được xem như kỳ tích. Vậy tại sao những việc làm tốt cho dân, cho nước lại bị những chống phá quyết liệt đến vậy. Nguyên nhân chỉ có thể là do cay cú và thù hận.

Một nhà nước, một chế độ chính trị, một chính phủ mà không hợp lòng dân, không mang lại lợi ích cho quần chúng nhân dân và bị nhân dân phế bỏ là chuyện bình thường trong lịch sử xã hội loài người. Và, trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng vậy. Tổ quốc, đất nước luôn là những điều bền vững, thiêng liêng trong gần 100 triệu con tim người Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam chưa thật giàu mạnh như mục tiêu đặt ra, nhưng hòa bình, ổn định thì Việt Nam luôn trân trọng và giữ gìn. Bởi gần 100 triệu dân Việt Nam đều hiểu sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh, của bom rơi đạn nổ, của chia cắt và chết chóc. Gần 100 triệu dân chỉ có tâm nguyện được sống trong hòa bình, ổn định.

Vì vậy, hãy thôi ai oán, hãy từ bỏ mục đích chống phá vô nghĩa cùng nhìn về tương lai tốt đẹp của dân tộc, của đất nước để hành động và ứng xử cho phù hợp với đạo lý!

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Võ Hồng Phúc: Những thành tựu về kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986 - 2005), trong Việt Nam 20 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 141

[2] Võ Hồng Phúc: Những thành tựu về kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới(1986 - 2005), trong Việt Nam 20 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr. 143.

 

[3] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Kinh-te-Viet-Nam-20162019-va-dinh-huong-2020/385934.vgp

[4] Xem thêm: https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/

[5]https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Mo-ra-giai-doan-moi-de-dat-nuoc-tien-xa-hon-nhan-dan-am-no-hanh-phuc/421800.vgp

[6] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/niem-tin-moi-dong-luc-moi-573466.html

[7] Dẫn theo Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết