Cần có quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử - văn hóa
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đồng tình với việc sửa đổi quy định đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên.
Theo ông Phan Văn Tuấn, việc sửa đổi Luật Đất đai trong bối cảnh hiện nay nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai là hết sức cần thiết. Là đơn vị quản lý Quần thể Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quan tâm đến những quy định khi sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa.
Theo quy định tại Điều 158 Luật đất đai 2013 thì chế độ sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được quy định cụ thể như sau: “Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó”.
Ông Phan Văn Tuấn
Tại Điều 177 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên được quy định: “Việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên vào mục đích khác thì phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan”.
Việc sửa đổi quy định này là cần thiết vì sẽ đơn giản thời gian làm thủ tục, nhất là đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt, thường các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Trong quy hoạch đã thể hiện mục đích sử dụng đất, căn cứ quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết nhất, không cần xin lại cấp thẩm quyền để đơn giản thủ tục.
Về quy hoạch đất có di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, thực tế hiện nay có tình trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã được xác định nhưng có xen lẫn các hộ dân sinh sống trong khu vực di tích. Điều này một mặt ảnh hưởng tới giá trị và tính toàn vẹn của di tích. Mặt khác, cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực di tích. Vì vậy, trong dự thảo cần có quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa.
Thông qua quy hoạch sử dụng đất, cần xác định khu vực bảo vệ 1, gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích phải được bảo vệ nguyên trạng. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh khu vực bảo vệ 1 của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích, nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về di sản với cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, trong việc quản lý đất có di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh.
Bài, ảnh: MINH HIỀN