Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ do đốt vàng mã dịp Tết

Tết Nguyên đán gắn liền với nhiều phong tục truyền thống, trong đó có tục đốt vàng mã. Tuy nhiên, việc thực hiện phong tục này không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) có thể dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của cộng đồng.

PCCC với tập quán đốt vàng mã dịp Tết

Thắp hương thờ cúng, hóa vàng mã vào các ngày rằm, mùng một và các ngày lễ, Tết trong năm đã trở thành một nét văn hoá tâm linh không thể thiếu được của người Việt, kèm theo đó là số lượng khổng lồ vàng mã được đốt đi.

Việc thắp hương, hóa vàng mã không đảm bảo an toàn PCCC sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Chị Nguyễn Thị Mai ở quận Thanh Xuân cho biết: “Năm nào, vào mỗi dịp Tết, đại diện tổ dân phố đến tận nhà nhắc nhở về việc PCCC khi thờ cúng và đốt vàng mã.

Đây là phong tục liên quan đến tâm linh không thể bỏ, vì thế, tôi và gia đình đều cố gắng đề phòng bằng cách đốt vàng mã ở nơi an toàn, trước khi đốt sẽ dùng vật che chắn để tránh gió cuốn tàn lửa đi nơi khác, gây cháy”.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ do đốt vàng mã dịp Tết

Thắp hương, đốt vàng mã tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao (Ảnh minh họa)

Để PCCC khi thờ cúng và hoá vàng mã, nhiều người dân đã đặt bát hương ở vị trí cách xa trần gỗ và các đồ vật dễ cháy. Không đốt vàng mã trong hành lang, cửa hàng kinh doanh, hoặc trên các phố đông người, nơi có xe cộ qua lại…

Tại các khu chung cư, người dân được nhắc nhở phải xuống tầng 1, có một nơi ở ngoài trời xây riêng để cho cư dân hoá vàng mã.

Việc đốt vàng mã là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam và trở thành tập tục không thể thiếu trong nhiều gia đình hiện nay.

Đốt vàng mã nếu không được thực hiện đúng cách, lửa có thể lan ra các vật liệu dễ cháy xung quanh, như rèm cửa, quần áo, gỗ hay giấy. Đặc biệt, trong thời tiết hanh khô của mùa Tết, nguy cơ cháy càng cao.

Người dân cần trang bị kiến thức phòng cháy

Bên cạnh sự chủ động từ người dân trong công tác phòng chống cháy nổ, lực lượng công an thành phố Hà Nội cũng đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Để đảm bảo an toàn PCCC trong việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những dịp lễ, Tết, mùng một, ngày rằm, Công an thành phố và các quận, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ năng PCCC cho các tầng lớp Nhân dân.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ do đốt vàng mã dịp Tết

Đốt vàng mã ngày Tết, đốt giấy tiền vàng bạc hay hóa vàng được coi là một phong tục cổ truyền (Ảnh minh họa)

Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là cửa hàng bán vàng mã, cây cảnh, các khu vực có nhiều vật liệu dễ cháy.

Bên cạnh các cuộc kiểm tra, Công an TP Hà Nội cũng tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về PCCC tại các khu dân cư, chợ Tết và các khu vực có đông người qua lại.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc và phục vụ tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng; phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC...

Đại úy Nguyễn Tùng Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Đông Anh đưa ra lời khuyên, trong quá trình thắp hương, người dân phải trông coi ban thờ.

Ngoài ra, các gia đình cần bố trí nơi thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên ban thờ, tránh trường hợp hương cháy rơi vào các vật dụng dẫn đến cháy; không thắp hương vòng qua đêm; không nên đi ra khỏi nhà khi hương trên ban thờ chưa tắt.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ do đốt vàng mã dịp Tết

Việc thắp hương, hóa vàng mã không đảm bảo an toàn PCCC sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, khi đốt vàng mã phải có người trông coi; đúng nơi quy định, tránh xa những nơi có vật dễ cháy; không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn.

Người dân không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: Chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy... luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan.

Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC, có thiết bị đóng ngắt để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.

Mỗi nhà dân cần tự trang bị phương tiện PCCC như bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc; trang bị kiến thức về PCCC, cách sử dụng phương tiện chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Người dân cần thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn PCCC trong phạm vi quản lý; kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện và dụng cụ, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ”, đồng chí Nguyễn Tùng Anh nhấn mạnh.

Phong tục đốt vàng mã mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng, mỗi người dân cần chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ.

Sự cẩn trọng và ý thức cao sẽ góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống mà không gây ảnh hưởng đến an ninh và an toàn xã hội trong dịp Tết.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết