Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn

Việc quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của địa phương, Bộ, ngành và doanh nghiệp.

Nỗ lực xây dựng hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn

Tại Hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 15/11, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá), đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.

Chung tay phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn

Các đại biểu tham luận tại hội nghị

Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước.

Bên cạnh chợ, các hệ thống phân phối hiện đại như Saigon Co.op có trên hàng nghìn điểm bán, trong đó số cửa hàng Co.op Food đang hoạt động hiệu quả trên toàn quốc là 571 cửa hàng, góp phần cung cấp bữa ăn hàng ngày cho hàng triệu gia đình Việt Nam với tiêu chí kinh doanh hàng đầu là “an toàn - tiện lợi - tươi ngon”.

Hoặc, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam có 21 trung tâm bán sỉ và siêu thị trên toàn quốc cùng với 5 trạm thu mua và cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 2000 đối tác cung ứng sản phẩm.

Chung tay phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn

Hệ thống WinCommerce thu mua và tiêu thụ khoảng 83.000 tấn nông sản mỗi năm

Hệ thống WinCommerce, chuỗi bán lẻ lớn với hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại 62 tỉnh thành trên cả nước, thu mua và tiêu thụ khoảng 83.000 tấn nông sản mỗi năm. Trong đó, hơn 50% là rau củ quả và trái cây thu mua từ các nhà cung cấp địa phương.

Hệ thống Big C và GO! với 72 cửa hàng tại khắp các tỉnh thành, cung cấp các thực phẩm đa dạng, tươi mới.

“Song song với đó, hiện nay, có một xu hướng mới là tổ chức các chuỗi cửa hàng nhỏ cung ứng đặc sản địa phương, thực phẩm an toàn như Sói Biển với 45 cửa hàng tại Hà Nội, chuỗi Bác Tôm, chuỗi EcoFood… đóng góp vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng phân phối hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng” – bà Lê Việt Nga thông tin.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối truyền thống cũng có sự chuyển mình. Các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương đã lồng ghép nội dung này trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển nông thôn mới. Theo các tiêu chí số 7 liên quan đến hạ tầng thương mại, những địa bàn được đánh giá là nông thôn mới nâng cao cần phải có những mô hình chợ an toàn thực phẩm. Nội dung này đã được đưa vào Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các kênh phân phối trực tiếp, giai đoạn vừa qua, kênh thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nhiều kênh thương mại điện tử cũng tổ chức các gian hàng an toàn thực phẩm trên không gian số như Lazada, Shopee… Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Thị trường trong nước triển khai Chương trình Kết nối tiêu thụ nông sản Việt an toàn trên không gian mạng.

Về kết nối thực phẩm an toàn trong hệ thống phân phối, Bộ Công Thương đã làm tốt công tác lồng ghép vào các chương trình kinh tế xã hội như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình xúc tiến thương mại với hàng ngàn cuộc kết nối cung - cầu, góp phần đưa hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm vào các kênh phân phối.

Các hội chợ xúc tiến thương mại cũng là một kênh kết nối hàng hoá thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng khi hằng năm có hàng nghìn hội chợ thương mại từ quy mô lớn cho đến các phiên chợ các vùng miền.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý an toàn thực phẩm đã góp phần chuẩn hóa các mặt hàng được hệ thống phân phối hiện đại thu mua. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hoá đã đưa sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào sâu rộng thị trường.

Các Đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình OCOP, Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xúc tiến tiêu thụ hàng hoá thương mại điện tử quốc gia… đã tạo ra những điểm bán hàng mới có vị trí thuận tiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch tham quan, mua sắm các hàng hoá đặc sản đặc trưng của địa phương.

Việc thu mua hàng hóa hai chiều cho bà con vùng đồng dân tộc thiểu số cũng góp phần tiêu thụ hàng hoá ở những vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh. Nhiều điểm chợ truyền thống đã được xây dựng để bà con mang nông sản đến để tiêu thụ với giá thành tốt nhất, đem lại nguồn thu nhập. Bà con cũng được tiếp cận với những hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu từ miền xuôi.

Đáng chú ý, một trong những hoạt động đẩy mạnh để phát triển kênh phân phối thực phẩm an toàn là Chương trình bình ổn thị trường.

“Hàng năm, khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương luôn có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024” – bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Siết chặt quản lý

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, TS. BS Cao Văn Trung - Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông - Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho hay, hiện tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do còn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng; thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của thực phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu, như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

TS. BS Cao Văn Trung cho biết, cơ chế thị trường tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, một bộ phận không nhỏ người kinh doanh cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường. Đáng chú ý là sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như: kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn.

Theo Cục An toàn thực phẩm, tại Việt Nam, 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế.

Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, cần sự chung tay của các bộ ngành, địa phương. Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương nhấn mạnh, Bộ sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ để giúp các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình nhằm phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thứ nhất về hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương sẽ kiện toàn, giao một đơn vị giữ vai trò đầu mối tham mưu Lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và lồng ghép an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên, gắn với nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng của từng đơn vị trong Bộ.

Thứ hai về công tác thanh tra kiểm tra, Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm theo hướng phù hợp với Luật Thanh tra được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Đồng thời, xây dựng, đề xuất các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để đẩy mạnh công tác phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Thứ ba về công tác truyền thông, đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm.

Thứ tư về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; tiếp tục triển khai các hoạt động nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; khuyến khích đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistic, bảo quản, chế biến, đặc biệt là phát triển thương mại điện tử ở nông thôn; Ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của ngành liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ năm về cơ chế phối hợp, chúng ta đã thí điểm nhiều chính sách như thí điểm mô hình quản lý tập trung dưới dạng Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thí điểm công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu dựa trên quản lý rủi ro, thí điểm miễn giảm chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thí điểm lựa chọn cơ quan hành chính thực hiện thủ tục hành chính, thí điểm quản lý chợ đầu mối giao ngành nông nghiệp, thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết