Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia ABB “chỉ cách” quản lý xe điện an toàn

Hiện số lượng các phương tiện xe đạp điện, xe máy điện tăng cao, nguy cơ mất an toàn dẫn đến cháy nổ trong việc sạc pin, nhất là vào ban đêm tại các khu dân cư.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, tính đến cuối năm 2022, cả nước có gần 2 triệu xe máy điện đã đăng ký, chiếm tỷ lệ 2,7% tổng số mô-tô, xe máy đang lưu hành trên toàn quốc và đến tháng 7/2023, cả nước có gần 12.600 ô tô điện.

Việc thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc xe điện, bộ sạc xe điện cũng như pin ứng dụng cho xe điện được xem “khoảng trống lớn” về chính sách dẫn đến nguy cơ các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Chuyên gia ABB “chỉ cách” quản lý xe điện an toàn

Hiện Việt Nam đang thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn cho trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện. Ảnh: Thu Hường

Trước đó vào tháng 11/2022 Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện bảo đảm phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.

Vậy các tiêu chuẩn, quy chuẩn đóng vai trò như thế nào trong công tác quản lý cũng như đảm bảo an toàn cho xe điện trong suốt quá trình sử dụng và kinh nghiệm của thế giới trong công tác này như thế nào? Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Hiển - Chủ tịch Ban Công nghệ điện của ABB Việt Nam.

ông Đoàn Văn Hiển- Chủ tịch Ban Công nghệ điện của ABB Việt Nam
Ông Đoàn Văn Hiển- Chủ tịch Ban Công nghệ điện của ABB Việt Nam

Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn quy định cụ thể cho các trạm sạc pin, bộ sạc xe điện. Vậy ông có nhìn nhận như thế nào về mức độ "mất an toàn" hiện nay khi xe đạp, xe máy điện, thậm chí ô tô điện đang được sạc ngay tại gia đình, các trạm trong khu vực dân cư, thưa ông?

Theo tôi, một trong những nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình sạc điện là mất an toàn cháy nổ, đặc biệt là khi sử dụng các bộ sạc kém chất lượng không tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế (tiêu chuẩn IEC) cho bộ sạc xe điện. Ngoài việc bảo vệ an toàn cho con người trong quá trình sạc thì bộ sạc cũng phải đảm bảo an toàn cho pin xe điện, bộ sạc phải không làm ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ của pin.

Chi phí của hệ thống pin chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng giá thành của một xe điện do đó việc an toàn cho pin cũng cần phải được quan tâm. Để đảm bảo việc an toàn cho pin thì bộ sạc phải đảm bảo cung cấp một nguồn năng lượng có chất lượng tốt cho pin cũng như phải sạc theo đúng đường đặc tuyến sạc của hệ thống pin.

Hiện đã có nhiều bộ sạc được bán tại thị trường Việt Nam, việc chưa có tiêu chuẩn cụ thể để kiểm định đánh giá chất lượng bộ sạc là một trong những khó khăn lớn của Việt Nam hiện nay để đảm bảo an toàn sạc điện. Do đó chính phủ cần sớm ban hành những bộ tiêu chuẩn và qui định cụ thể cho việc sạc xe điện để hệ thống cơ sở hạ tầng sạc của Việt Nam được phát triển đúng hướng và đảm bảo an toàn.

Việc lắp đặt các bộ sạc này phải cần đặc biệt quan tâm. Các bộ sạc phải được lắp đặt ở nơi thông thoáng, thuận tiện cho việc phòng cháy, chữa cháy. Tránh lắp đặt tại các khu vực dễ gây hỏa hoạn, khó thoát hiểm và đặc biệt trong các không gian kín.

Bên cạnh đó, nguồn cung cấp điện cũng cho bộ sạc cũng cần hoạt động ổn định và an toàn. Các thiết bị, trạm và tủ bảng điện trung và hạ thế trong hệ thống phải có chức năng phối hợp bảo vệ theo tiêu chuẩn IEC để đạt được yêu cầu bảo vệ các sự cố quá tải, ngắn mạch và các sự cố về điện khác.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho pin, bộ sạc xe điện/ trạm sạc xe điện?

Hiện nay tiêu chuẩn điện quốc tế IEC đã có bộ tiêu chuẩn cụ thể dành riêng cho sạc xe điện (IEC 61851), tiêu chuẩn này được chấp nhận và áp dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu.

Do đó, việc ứng dụng tiêu chuẩn IEC này cũng là một trong những giải pháp tốt để xây dựng bộ tiêu chuẩn sạc cho Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể chỉnh sửa hoặc yêu cầu thêm một số những qui định để đảm bảo tiêu chuẩn được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Trên thị trường có rất nhiều hãng xe với các dòng xe khác nhau, vậy để một trạm sạc đáp ứng cho đa dạng các dòng xe của nhiều hãng với nhiều công nghệ khác nhau, vậy giải pháp của các nước trên thế giới cũng như công nghệ các hãng sản xuất trạm sạc đưa ra là gì? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm mô hình điển hình mà thế giới giải quyết vấn đề này thưa ông?

Hiện nay có rất nhiều hãng xe sản xuất xe điện cũng như rất nhiều các model mới của xe điện được ra đời do đó một trong những thách thức của bộ sạc xe điện là tính tương thích (Interoperability) để đảm bảo sạc an toàn cho các dòng xe trên thị trường.

Công nghệ được áp dụng cho việc này là việc giao tiếp phải được thực hiện giữa bộ sạc và xe để đảm bảo rằng bộ sạc cung cấp cho pin một năng lượng đúng theo yêu cầu và sạc đúng theo đường đặc tuyến của pin để không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ và sự an toàn của Pin cũng như đảm bảo về thời gian sạc.

Trạm sạc nhanh 180kW của ABB tại Quận Tân Bình

Trạm sạc nhanh 180kW của ABB tại Quận Tân Bình

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc phát triển và cung cấp các bộ sạc xe điện với tất cả các thương hiệu xe lớn trên toàn thế giới, ABB chúng tôi áp dụng việc truyền thông nghiêm ngặt cho tất cả các bộ sạc.

Trước khi một chu trình sạc bắt đầu, bộ sạc luôn thực hiện giao tiếp với xe để đồng nhất về công suất, dòng điện và điện áp tối đa trong suốt chu trình sạc. Ngoài ra, bộ sạc ABB được kết nối tự động liên tục với cổng thông tin ABB EVE để tự động cập nhật phần mềm mới nhất, giúp đảm bảo khả năng tương thích với các dòng xe mới cũng như tối ưu hóa việc thực hiện bảo trì bộ sạc từ xa khi xảy ra sự cố.

Theo ông để đảm bảo an toàn cho người dân trong sử dụng xe điện, ông có khuyến cáo gì cho người dân, nhà sản xuất và cơ quan quản lý trước tình trạng thời gian qua nhiều vụ cháy nổ xe điện diễn ra tại Việt Nam?

Để đảm bảo việc sạc an toàn khi chưa có các qui định cụ thể thì người dùng nên lựa chọn bộ sạc từ một nhà sản xuất uy tín có tên tuổi trên thị trường, đặc biệt là những nhà sản xuất có thương hiệu quốc tế, nên chọn những bộ sạc được sản xuất ra đã được cấp phép sử dụng ở rất nhiều quốc gia khác, đặc biệt là từ những nước có tiêu chuẩn sạc khắt khe như Mỹ, châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Không nên chọn những bộ sạc giá rẻ từ những thương hiệu chưa được kiểm chứng.

Các hãng xe và nhà cung cấp bộ sạc cung cấp đầy đủ các tài liệu hướng dẫn và người sử dụng phải tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất trong quá trình sử dụng. Trong quá trình sạc, phải có biện pháp theo dõi, quan sát các hiện tượng bất thường để có hướng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Cần phải xây dựng bộ quy chuẩn về bộ sạc, thiết bị và hệ thống cấp nguồn, công tác phòng cháy chữa cháy một cách đồng bộ phù hợp với tiêu chuẩn IEC và tình hình cụ thể ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay nước ta đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN), trong đó, tại thời điểm năm 2021, có 39 TCVN áp dụng cho xe điện.

Trong 39 TCVN này, mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện và các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh hay những thay đổi lớn trong thời gian gần đây như các tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng về pin, về thời gian sạc, hay về các hệ thống điều khiển trong xe điện.

Đối với hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN), hiện chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện và chưa có quy chuẩn cho ô tô điện.

Về hạ tầng trạm sạc đã có một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc, an toàn về điện, phòng cháy chữa cháy, nhưng còn thiếu các quy chuẩn về lắp đặt, vận hành và đo lường điện năng tại trạm sạc.

Về tiêu chuẩn, các trạm sạc ô tô điện hiện nay hoạt động dựa trên TCVN 13078:2020, bao gồm các tiêu chuẩn về: kết nối xe điện với nguồn cấp điện xoay chiều/một chiều, trạm sạc điện một chiều, yêu cầu tương thích điện từ của bộ sạc lắp trên xe điện.

Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC 61851. Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) đặt ra các quy định về đặc điểm và điều kiện vận hành của thiết bị sạc; kết nối giữa thiết bị sạc và xe điện; yêu cầu an toàn điện đối với thiết bị sạc. Ngoài ra, IEC cũng đặt ra các yêu cầu bổ sung cho trạm sạc, thiết bị sạc tại môi trường đặc thù như khu vực nguy hiểm, dễ cháy nổ, lắp đặt ở độ cao hơn 2.000m, thiết bị sạc trên tàu cao tốc...

Hiện tại, cơ hội phát triển xe điện ở Việt Nam đang rất rộng mở, cùng với đó là nhiều chính sách thông thoáng từ Chính phủ. Tuy vậy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện cần sớm được hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển của loại hình phương tiện này.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật