Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển trọng tâm sang “dân số và phát triển”

Với mục tiêu tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số… Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trong tình hình mới là kim chỉ nam, hướng công tác dân số sang một trang phát triển mới.

Cán bộ dân số kiểm tra tình trạng tảo hôn ở A Lưới

Thành quả

Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đề ra mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là "tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển...". Đồng thời đặt ra yêu cầu “đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp”.

Tại Thừa Thiên Huế, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai và kế hoạch hành động giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về dân số-KHHGĐ được tăng cường, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chương trình dân số-KHHGĐ. Hầu hết các cấp ủy Đảng và chính quyền đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động để thực hiện các mục tiêu về dân số. Một số địa phương tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng cũng đã đầu tư thêm nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tăng tự nhiên dân số từ trên 3% (năm 1979) giảm còn 1,08%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 15%. Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 72%. Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được quan tâm và tập trung thực hiện, thông qua việc triển khai các mô hình can thiệp nâng cao chất lượng dân số. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em giảm mạnh. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Nam Đông, A Lưới từng bước được khống chế. Mô hình gia đình hai con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu.

Theo ông Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số -KHHGĐ, thành quả của công tác dân số-KHHGĐ qua Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tính đúng đắn về chủ trương, chính sách và các biện pháp triển khai công tác dân số-KHHGĐ của Trung ương và tỉnh. Những kết quả này là sự đóng góp công sức của cả hệ thống chính trị, từ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp triển khai của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và sự đóng góp của hệ thống làm công tác dân số-KHHGĐ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên ở khắp các thôn, bản, tổ dân phố.

Những mục tiêu mới

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành dân số thời gian tới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Thừa Thiên Huế vẫn ở trong nhóm 33/63 tỉnh, thành chưa đạt mức sinh thay thế, thuộc nhóm địa phương có tổng tỷ suất sinh cao nhất toàn quốc và không đồng đều giữa các địa phương. Tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... vi phạm chính sách dân số gia tăng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân. Nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện vẫn tăng nhưng nguồn cung ứng phương tiện tránh thai chưa đa dạng, đầy đủ, kịp thời. Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao, không ổn định. Lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả. Dân số đang trong giai đoạn già hóa nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có nhiều biến động, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới.

Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 – 2025, hướng đến thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 của UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác dân số phải được xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội. Công tác dân số phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW là chuyển trọng tâm chính sách dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững của từng địa phương và của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh nêu rõ 7 mục tiêu cụ thể với nhiều chỉ tiêu được nêu rõ, như: Tiếp tục giảm sinh để tiệm cận mức sinh thay thế; giảm chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số huyện, thị xã, thành phố đạt mức sinh thay thế vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; giảm tỷ lệ vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn; tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2025 là 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống và năm 2030 là 108 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; 85-95% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm tỷ lệ tảo hôn và xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở hai huyện Nam Đông, A Lưới vào năm 2025…

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN


Tags: chính sách
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết