Đà Nẵng: Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý tiền chất công nghiệp, hóa chất
Các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng hóa chất cần nắm các quy định pháp luật cũng như tăng cường quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp, hóa chất.
Sáng 17/11, tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất tại thành phố năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, hội nghị nhằm triển khai các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực hóa chất, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong việc thực hiện các quy định tại Luật Hóa chất và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng |
Tại chương trình, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được các diễn giả, báo cáo viên cập nhật các thông tin liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hóa chất; hướng dẫn kinh nghiệm xây dựng biện pháp/kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất; hướng dẫn báo cáo hoạt động hóa chất hàng năm trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.
Đáng chú ý, báo cáo viên của công an TP. Đà Nẵng cũng đã thông tin về tiền chất công nghiệp có liên quan đến ma túy.
Theo ThS. Đại úy Nguyễn Hồng Tâm – Báo cáo viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP. Đà Nẵng, hiện nay có 60 tiền chất ma túy, trong đó 39 tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý, 13 tiền chất do Bộ Công an quản lý và 8 tiền chất sử dụng trong ngành y tế do Bộ Y tế quản lý. Phần lớn các tiền chất hóa chất được sử dụng hợp pháp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các tiền chất được nhập khẩu và sử dụng với số lượng lớn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp.
Việc kiểm soát, quản lý tiền chất công nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn do nguồn tiền chất phong phú, đa dạng (cả trong nước, nhập khẩu), thông qua nhiều khâu trung gian nên còn tạo “lỗ hổng” cho một số đối tượng lợi dụng dễ dàng mua một số tiền chất trôi nổi trên thị trường phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy tổng hợp. Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, từ năm 2008 đến năm nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ gần 45 vụ/190 đối tượng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp. Một số vụ việc, chuyên án ma túy tiêu biểu liên quan đến các tiền chất công nghiệp như vụ trùm ma túy Kính Văn Dương (phá án năm 2017, xét xử năm 2021); vụ xưởng sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum (do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, phá án năm 2019, xét xử năm 2022)….
Nâng cao ý thức của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất TP. Đà Nẵng trong tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hóa chất |
“Khâu quản lý, sử dụng của doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều tiền chất công nghiệp bị tuồn ra, trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng, kiểm soát tiền chất công nghiệp”, Đại úy Nguyễn Hồng Tâm nói.
Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng đã thực hiện khảo sát mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp.