Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Chi phí kinh doanh xăng dầu cần tính toán hợp lý, có căn cứ

Theo đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cần phải tính toán có căn cứ, cơ sở để đưa ra các mức quy định đảm bảo doanh nghiệp xăng dầu có thể kinh doanh được.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội xung quanh nội dung chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng từ ngày mai (11/11).

đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội

Được biết, chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng từ ngày 11/11 tới đây. Tuy nhiên, chi phí này theo một số doanh nghiệp đánh giá là quá thấp, chỉ tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít. Trên thực tế, có doanh nghiệp tự thống kê chi phí tăng tới 67 - 466% đồng/lít, tức là gấp gần 6- 10 lần so với mức Bộ Tài chính đề xuất. Đại biểu có đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Tôi nghĩ giá xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý, theo đó vai trò của cơ quan Nhà nước phải định giá xăng dầu và có chính sách điều chỉnh.

Về nguyên tắc điều chỉnh phải dựa trên những chi phí cụ thể và đảm bảo hiệu quả kinh doanh hợp lý cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phải tính đúng, tính đủ.

Do vậy mức chiết khấu và các chi phí trong quá trình vận chuyển, lưu thông xăng dầu theo tôi Bộ Tài chính phải có con số, có cơ sở để đánh giá. Cơ sở đánh giá này phải dựa trên cơ sở lịch sử chúng ta đã thực hiện trong nhiều năm qua, đồng thời cũng phải đánh giá xu thế thay đổi của các nguồn cung cấp như thế nào?

Bởi lẽ hiện nay Việt Nam đang có nguồn cung cấp trong nước khá cao, như Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, chúng ta có thể phấn đấu đạt 70-80% nguồn cung trong nước và như vậy rõ ràng vấn đề chi phí gọi là những chi phí để chiết khấu cũng sẽ được tính toán chủ động hơn so với việc chúng ta vẫn phụ thuộc hoàn toàn 100% vào nước ngoài.

Cho nên tôi hy vọng rằng Bộ Tài chính phải tính toán có căn có cơ sở cứ dựa trên những chi phí cụ thể để đưa ra các mức quy định đảm bảo doanh nghiệp có thể kinh doanh được.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí, nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này, mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Đại biểu có đánh giá cụ thể nào về nguyên nhân này?

Thời kỳ giá xăng dầu thế giới tăng cao, chúng ta điều tiết rất tốt, không cửa hàng nào thiếu xăng dầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, giá xăng dầu thế giới không tăng quá cao, nguồn cung, theo tôi cũng không phải quá khan hiếm, nhưng trong nước lại xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu.

Tôi cho rằng, lỗi không phải do nguồn cung thế giới, do ta không nhập được xăng dầu, mà là do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Cụ thể, chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí, nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này, mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Khi nhà bán lẻ không có chi phí chiết khấu, càng bán càng lỗ, thì đương nhiên họ sẽ không mặn mà gì với việc bán.

Tất nhiên, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tăng rất cao, sẽ phải thực hiện việc cắt giảm chi phí chiết khấu. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu phải xác định kinh doanh không có lãi, cùng với việc Nhà nước giảm thuế, mới giảm giá được cho người dân.

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới bình ổn trở lại, thì phải tăng chi phí chiết khấu cho các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa làm được điều này, mà mới chỉ thực hiện được chi phí chiết khấu cho nhà phân phối, còn người bán lẻ không có.

Theo tôi, công tác điều hành liên quan tới chi phí chiết khấu; sự phân chia chi phí chiết khấu giữa công ty đầu mối, nhà phân phối và nhà bán lẻ nếu có sự hợp lý hơn thì sẽ không để xảy ra tình trạng các cây xăng bán lẻ phải dừng bán như hiện nay.

Đã có phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam, dự kiến áp dụng từ 11/11

Về nguyên tắc điều chỉnh phải dựa trên những chi phí cụ thể và đảm bảo hiệu quả kinh doanh hợp lý cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Việc nên bỏ hay giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng là nội dung tranh luận của các đại biểu trong các phiên thảo luận trong việc khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu như hiện nay. Quan điểm của đại biểu thế nào?

Theo tôi, xăng dầu là một mặt hàng kinh doanh phụ thuộc vào cung cầu. Trên thế giới, người ta sử dụng biện pháp bình ổn giá xăng dầu bằng cách mua theo hợp đồng trả trước.

Chúng ta hiện chưa có công ty nào thực hiện việc kinh doanh theo hợp đồng trả trước, mà vẫn làm theo kiểu mua xăng dầu ở thế giới mang về nước bán. Theo đó, giá xăng dầu thế giới tăng thì mua giá cao, giá giảm thì mua giá thấp.

Về nguyên tắc, điều đó là bình thường. Tuy nhiên, xăng dầu là một mặt hàng có tác động rất mạnh tới đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt, là một mặt hàng tạo ra chi phí đẩy cho tăng giá. Nếu xăng dầu tăng giá thì hầu hết các mặt hàng sẽ tăng giá. Bởi tăng giá xăng dầu liên quan tới vận tải, giao thông đi lại, nguyên liệu đầu vào…

Cho nên, nếu để giá xăng dầu tăng lên cao quá sẽ đẩy giá các mặt hàng khác tăng theo. Trong khi đó, khi giá các mặt hàng khác tăng cao thì đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng; đặc biệt là lạm phát, chỉ số giá tăng cao ngay lập tức.

Do đó, Nhà nước muốn bình ổn đời sống người dân thì buộc phải kiểm soát, điều tiết giá xăng dầu.

Nhưng điều tiết bằng cách nào? Theo tôi, chỉ có một cách duy nhất, đó là hoặc phải giảm phần phí xuống, đơn cử như thuế hoặc có thêm phần tiền hỗ trợ. Phần tiền này lấy từ lúc giá xăng dầu xuống thấp, phải trích từ quỹ bình ổn. Còn khi giá xăng dầu cao thì không trích nữa, mà lấy tiền đó bù cho việc bán giá rẻ. Tôi cho rằng vẫn cần phải có quỹ bình ổn xăng dầu, xuất phát từ những nguyên nhân trên.

Rất nhiều ý kiến cho rằng tình trạng thiếu hụt trên thị trường xăng dầu sẽ chưa dừng lại, theo đại biểu đâu là giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong giai đoạn tiếp theo?

Theo tôi đây là hạn chế của hệ thống quản lý xăng dầu Việt Nam, các nước người ta có hệ thống kinh doanh hàng đầu, hoàn toàn độc lập và tự do cạnh tranh và Nhà nước hầu như không cần phải can thiệp, các công ty tự định giá để đưa ra thị trường.

Ở Việt Nam thì chúng ta vẫn đang quản lý xăng dầu. Do vậy, việc Nhà nước đưa ra chính sách, nếu không phù hợp có thể sẽ gây tác động tới thị trường. Nhưng ngược lại nếu Nhà nước không có công cụ quản lý tốt rất có thể các doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng như độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, tôi cho rằng là có lẽ cần phải nghiên cứu xem lại hai yếu tố:

Thứ nhất chúng ta phải xem cơ chế điều hành xăng dầu thực sự đã hiệu quả, khoa học chưa và đã dựa trên các cái nguyên tắc khách quan để đảm bảo rằng khi quyết định đưa ra bản thân Nhà nước cũng thấy thỏa đáng. Doanh nghiệp cũng chấp nhận được để không xảy ra tình trạng Nhà nước đưa ra thì doanh nghiệp nói rằng là giá thấp, có doanh nghiệp lại kêu giá cao.

Đứng trên góc độ của người kinh doanh muốn là mức chi phí, mức chiết khấu phải cao lên, nhưng muốn gì thì muốn đều phải có căn cứ, cơ sở cụ thể.

Thứ hai cần phải xem lại hệ thống cung cấp nguồn cung xăng dầu quốc gia xem thế nào để có giải pháp căn cơ, có như vậy chúng ta thực sự đưa kinh doanh xăng dầu Việt Nam dựa trên các nguyên tắc thị trường cạnh tranh lành mạnh trong thời gian tới.

Xin trân trọng cám ơn đại biểu!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết