Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giả danh cán bộ công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo

Đối tượng giả danh cán bộ công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hăm dọa và lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân trên không gian mạng… Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo các chiêu trò lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Hiện có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang nhắm vào các đối tượng: Người cao tuổi, lao động tự do, nhân viên văn phòng, công nhân, học sinh/sinh viên…

Báo Công Thương xin trích đăng một số thủ đoạn lừa đảo để giúp bạn đọc nắm bắt thông tin, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng này.

Thời gian qua, tuy được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng liên tiếp vẫn xảy ra các vụ việc lừa đảo giả danh cán bộ cơ quan công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hăm dọa và lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Ngày 22/8 vừa qua, một phụ nữ ở Hà Nội suýt mất 100 triệu đồng tiền tiết kiệm sau cuộc gọi của kẻ mạo danh công an.

Cụ thể, Công an xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) và người dân địa phương đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên.

Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 22/8, bà Lê Thị T. (SN 1953, trú tại xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự giới thiệu là cán bộ cơ quan điều tra. Người này nói rằng, số tiền bà T. tiết kiệm được là tiền vi phạm pháp luật, liên quan một vụ án mà Bộ Công an đang điều tra. Đối tượng yêu cầu bà T. chuyển toàn bộ số tiền cho đối tượng, nếu không sẽ bắt tạm giam.

Bài 6 – Giả danh cán bộ công an điều tra, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo
Hãy cảnh giác với những cuộc điện thoại lạ mà bạn nghi ngờ và không biết rõ đối tượng. Ảnh: Minh họa

Trước thông báo của vị “cán bộ” nói trên, bà T. lo sợ nên đã lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm trong nhà là 100 triệu đồng và đến cửa hàng mua bán điện thoại của hàng xóm là anh Nguyễn Hà T., nhờ chuyển vào tài khoản “150100099xxx” theo yêu cầu của đối tượng.

Trong lúc trao đổi, anh Nguyễn Hà T. phát hiện có điều bất thường khi thấy nữ hàng xóm liên tục nghe điện thoại, giọng nói rụt rè. Sau đó, người hàng xóm đã báo Công an xã Hòa Nam về việc bà T. đang nhờ giúp đỡ.

Nhận được tin báo, cán bộ Công an xã Hòa Nam đã nhanh chóng có mặt khuyên ngăn, giải thích, bà T. đã bình tĩnh trở lại và không thực hiện giao dịch. Rất may cho bà T. là toàn bộ số tiền tiết kiệm đã được bảo toàn.

Hầu hết, các nạn nhân sau khi chuyển tiền cho kẻ lừa đảo thì không thể lấy lại được tài sản. Mặc dù bọn chúng dùng số tài khoản ngân hàng để nhận tiền, thế nhưng, việc xác định và truy bắt được kẻ lừa đảo không hề dễ dàng.

Qua vụ việc trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên không gian mạng.

Qua đó cũng đề nghị các cá nhân, tổ chức tài chính trên địa bàn chú ý những hành vi bất thường liên quan đến hoạt động chuyển tiền của khách hàng, đặc biệt là những số tiền lớn và kịp thời trao đổi với cơ quan Công an nơi gần nhất để ngăn chặn hoạt động lừa đảo của đối tượng xấu.

Một số dấu hiệu nhận diện

- Sử dụng số điện thoại giả mạo: Đối tượng sẽ sử dụng số điện thoại giả mạo, có thể hiển thị số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc tòa án trên màn hình điện thoại của bạn. Hãy lưu ý rằng cơ quan chính thức sẽ không sử dụng số điện thoại giả mạo hoặc giả danh.

- Đe dọa và áp lực tâm lý: Đối tượng sẽ sử dụng các cách thức đe dọa, áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa, nói dối về việc có liên quan đến các vụ án đang điều tra để tạo áp lực và đánh vào sợ hãi của nạn nhân.

- Yêu cầu chuyển tiền hoặc thông tin cá nhân: Đối tượng sẽ yêu cầu bạn chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, mã số bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác. Điều này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn.

- Tạo áp lực thời gian: Đối tượng thường tạo áp lực thời gian cho bạn, tuyên bố rằng hành động phải được thực hiện ngay lập tức để tránh hậu quả nghiêm trọng. Họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng không có thời gian để suy nghĩ hay tham khảo người khác.

Biện pháp phòng tránh để bảo vệ mình khỏi các hình thức lừa đảo

- Giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa.

- Xác minh thông tin: Hãy tự xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức.

- Không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác.

- Báo cáo sự việc: Nếu bạn nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết