Hà Nội có vai trò dẫn dắt phát triển thành phố thông minh, bền vững
Sáng 29/11, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam-châu Á 2023 đã khai mạc với chủ đề: “Khai thác dữ liệu - xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững".
Với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển những đô thị thông minh và bền vững, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 kéo dài 2 ngày (29-30/11) cũng là cơ hội lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp về xây dựng thành phố Hà Nội thông minh cũng như thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin Hà Nội và quốc tế.
Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”, hội nghị là diễn đàn nhằm chia sẻ các quan điểm, tầm nhìn về phát triển thành phố thông minh của các diễn giả, lãnh đạo các thành phố trong khu vực và các tỉnh, thành phố trong nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là nhân tố quan trọng để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị |
Cùng với quan điểm coi khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo là lực lượng sản xuất, nguồn lực, động lực cơ bản của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, chuyển đổi số là khâu đột phá hiệu quả, bền vững và thông minh nhất.
Qua đó có thể thấy, việc khai thác dữ liệu số, xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với mọi cấp chính quyền, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mô hình thành phố thông minh bền vững mà TP. Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; lực lượng lao động có khát vọng vươn lên, không ngừng sáng tạo và cống hiến, góp phần tạo nên xã hội thịnh vượng và toàn bộ người dân được sống, học tập, lao động trong môi trường an toàn, hạnh phúc.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: “Nhận thức và quyết tâm xây dựng TP. Hà Nội văn minh, văn hiến, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một đất nước gần 100 triệu dân; Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng, tuy nhiên cũng cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân".
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố nêu vấn đề về thực trạng xây dựng và phát triển đô thị thông minh của Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước; những chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác; công nghệ số, chuyển đổi số, và đặc biệt là dữ liệu số sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển, mô hình thành phố thông minh nào trên thế giới có thể tham khảo....
“Với mong muốn có được câu trả lời cho những vấn đề nói trên, TP. Hà Nội đã quyết định lựa chọn chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” cho hội nghị quan trọng ngày hôm nay”, Chủ tịch UBND thành phố cho biết.
Theo đó, hội nghị sẽ thông qua 3 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; công nghệ, dữ liệu và kết nối; hợp tác và phát triển sẽ chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, qua đó giúp TP. Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững; đồng thời các tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự cũng sẽ có thêm góc nhìn mới trong định hướng xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA |
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA chia sẻ, Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 được tổ chức vào thời điểm Việt Nam có nhiều nguồn lực để tỏa sáng và Hà Nội sẽ là điểm sáng nhất trong xây dựng hệ thống sinh thái về trí tuệ nhân tạo và chíp.
Trên cơ sở đó, thành phố thông minh là nhân tố quyết định và Hà Nội là Thủ đô có vai trò dẫn dắt các địa phương khác, Việt Nam trong tăng trưởng xanh, công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Để làm được điều này Hà Nội phải có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để thực hiện các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực mới. Hà Nội không chỉ là thành phố thông minh cho chính mình mà phải là thành phố để sáng tạo ra cả phần cứng, phần mềm, nhân lực cho các thành phố trong khu vực, dẫn dắt đi đầu trong chuyển đổi xanh.
Khách tham dự trải nghiệm dịch vụ tại các doanh nghiệp |
Đây là điều kiện thiết yếu để gia nhập công nghệ bán dẫn, tạo ra cơ hội để cho các công ty công nghệ thông tin có nhiều cơ hội để phát triển Chủ đề này bàn sâu vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số là dữ liệu. Làm sao để dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống phục vụ đời sống, cơ quan, doanh nghiệp, người dân hiệu quả nhất; nhanh nhất, chính xác nhất, minh bạch nhất và ít tốn thời gian.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị cho thấy quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP. Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa người dân, doanh nghiệp.
Ông Dũng cho biết, chủ trương về phát triển thành phố thông minh đã có, Chính phủ đã phê duyệt đề án, việc cần làm là triển khai sao cho hiệu quả và bền vững.
Trong quá trình theo dõi đồng hành với các địa phương trình khai thành phố thông minh thời gian vừa qua, ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục, lâu dài do vậy cần có tầm nhìn dài hạn, toàn diện, cách tiếp cận tổng thể.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông |
Cũng giống như chuyển đổi số, đô thị thông minh là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn. Phát triển đô thị thông minh là chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị, tập trung vào giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, các bài toán về giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự... Để giải được các bài toán này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán, đưa vào ngay khi xác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển thành phố.
Thành phố thông cũng chính là phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, phát triển công nghệ số. Phát triển đô thị thông minh được gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm làm chủ thể tham gia các hoạt động.
"Hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số, đặc biệt hạ tầng dữ liệu là một loại hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội khác. Một nền tảng hạ tầng dữ liệu tốt, thống nhất an toàn, một hạ tầng thông tin mạnh là nền tảng xây dựng chính quyền số, kinh tế số" - ông Dũng cũng nhấn mạnh đồng thời tin tưởng, với mục tiêu có hướng dẫn chung về xây dựng, phát triển đánh giá mức độ “trưởng thành” của đô thị thông minh; tạo sự thống nhất về mặt hành động trên cả nước, cùng sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân, Việt Nam sẽ sớm có những thành phố thông minh, hiện đại, bền vững...