Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng ngừa phơi nhiễm ma túy cho cán bộ

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc về việc cảnh báo nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với các loại ma túy tổng hợp.

Trước những cảnh báo từ Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) về nguy cơ phơi nhiễm ma túy tổng hợp (Synthetic Opioids - SO) đối với lực lượng thực thi pháp luật, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường biện pháp bảo vệ công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Các loại ma túy tổng hợp được sản xuất trong phòng thí nghiệm, có thể gây nghiện và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trong quá trình vận chuyển và mua bán, ma túy thường được đóng gói cẩn thận, tuy nhiên, khi bao bì bị vỡ hoặc trong quá trình khám xét, các hóa chất này có thể giải phóng vào môi trường, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm cho công chức hải quan.

Cục Hải Quan TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng ngừa phơi nhiễm ma túy tổng hợp cho công chức khi làm nhiệm vụ. Ảnh Tạp chí Tài chính

Các loại ma túy tổng hợp được sản xuất trong phòng thí nghiệm, có thể gây nghiện và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ảnh Tạp chí Tài chính

Những hình thức phơi nhiễm ma túy tổng hợp chủ yếu gồm qua mắt, đường hô hấp, đường tiêu hóa và qua da. Tiếp xúc qua mắt và mặt làm chất độc nhanh chóng xâm nhập vào máu, tuy ít phổ biến nhưng lại có tốc độ hấp thụ nhanh gấp 30 lần so với qua da. Việc hít phải chất độc qua đường hô hấp là hình thức phơi nhiễm nguy hiểm nhất, gây nguy cơ cao cho cả cán bộ công chức và chó nghiệp vụ. Đối với tiếp xúc qua đường tiêu hóa, tuy ít rủi ro hơn nhưng vẫn cần cảnh giác. Trong các trường hợp da bị tổn thương hoặc qua đường tiêm chích, chất độc dễ dàng xâm nhập vào máu, làm tăng rủi ro phơi nhiễm.

Để bảo vệ công chức hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa cụ thể. Tất cả công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, khám xét hàng hóa, hành lý hoặc phương tiện vi phạm được yêu cầu đeo khẩu trang P2/N95 để bảo vệ đường hô hấp khỏi các chất nguy hiểm. Khẩu trang này đảm bảo bao kín vùng mặt và không tái sử dụng. Đồng thời, việc mang găng tay nitrile nhằm ngăn cản tiếp xúc qua da với các chất hóa học nguy hiểm cũng được áp dụng như một cấp độ bảo hộ tối thiểu. Công chức cũng cần đeo kính bảo vệ mắt loại kín để giảm nguy cơ phơi nhiễm qua mắt và mặc đồng phục tay dài hoặc đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể.

Phòng Tài vụ - Quản trị của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và đưa dự toán kinh phí mua sắm các thiết bị này vào ngân sách hàng năm.

Công tác phòng ngừa phơi nhiễm sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chức hải quan về các nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và hạn chế tối đa các rủi ro về sức khỏe.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật