Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 700 dự án 'treo' vẫn chờ Tổ công tác của Thủ tướng 'phá băng'

Rất nhiều kỳ vọng được đặt ra, song việc tìm ra giải pháp “phá băng” hàng nghìn tỷ đồng từ các dự án chậm tiến độ, khơi thông điểm nghẽn về pháp lý cho doanh nghiệp có lẽ là điều được chờ đợi nhất từ Tổ công tác của Thủ tướng trong năm 2023.

Cuối tuần trước, ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp và có những văn bản hướng dẫn kịp thời để triển khai, áp dụng thực hiện.

Khởi đầu nhiều hy vọng

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng đã đốc thúc địa phương giải quyết nhanh thủ tục dự án, và đưa ra thời hạn giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, khi rà soát 89 doanh nghiệp, dự án bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng ghi nhận hàng loạt vấn đề vướng mắc pháp lý của các dự án, đặc biệt các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai như kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất.

Các vướng mắc khác như điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư chồng chéo giữa các bộ, khó khăn về nguồn vốn đầu tư khi cùng thời điểm doanh nghiệp phải đáo hạn trái phiếu, trả nợ ngân hàng.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng dự án, nhà thầu phải cho công nhân nghỉ việc. Đáng chú ý, sau nhiều năm thị trường diễn biến tích cực, có những doanh nghiệp thực hiện cùng lúc nhiều dự án mà không cân đối nguồn lực dẫn tới khó khăn về tài chính.

-5977-1673870749.jpg

"Phá băng" dự án treo là điều được chờ đợi nhất từ Tổ công tác của Thủ tướng trong năm 2023 (Ảnh minh họa: Minh Hải). 

Đơn cử như trường hợp của Novaland. Trả lời đơn “cầu cứu khẩn cấp” của doanh nghiệp này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh - Tổ phó Tổ công tác, đã khuyến nghị doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, bán bớt dự án chưa triển khai, tập trung làm những dự án đang triển khai.

Doanh nghiệp có thể bán sản phẩm để xoay xở dòng tiền. Về lâu dài doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện đúng dự án đề xuất vay, tránh việc vay dự án này làm dự án khác như hiện nay.

Việc thành lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ, vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ.

Điều này giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và các thị trường liên quan như thị trường chứng khoán, trái phiếu. Đây cũng là thông điệp của Thủ tướng, vì niềm tin thị trường đang là vấn đề lớn nhất của thị trường lúc này.

Chờ “phá băng” dự án “treo”

Khởi đầu đầy tích cực, tuy nhiên, cần nhắc lại, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng và 7 thành viên là thứ trưởng các bộ, ngành liên quan, với mục tiêu hàng đầu là giải phóng khối tài sản đang đóng băng trong bất động sản.

Vì vậy, nhiệm vụ tìm ra giải pháp “phá băng” hàng trăm dự án chậm tiến độ, từ đó khơi thông nguồn cung thị trường, mới là điều được mong đợi nhất từ Tổ công tác của Thủ tướng trong năm 2023.

Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có khoảng 400 dự án bất động sản "treo", chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai, trong khi tại TP.HCM có hơn 300 dự án cũng đang trong tình trạng “nằm chờ” (dự án đã quá 3 năm nhưng chưa thu hồi hoặc chưa hoàn thành thu hồi đất).

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng vừa gửi 3 văn bản đến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 3 dự án bất động sản của 3 doanh nghiệp tại TP. HCM và Hưng Yên.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết với 3 trường hợp mới nhất, tổng số dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị được hiệp hội kiến nghị “giải cứu” đã lên đến 149 dự án.

Trong số các dự án được HoREA kiến nghị có trường hợp của công ty TNHH Gotec Việt Nam với dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé (quận 7. TP.HCM).

Gotec cho biết đã hơn 6 tháng kể từ khi nộp hồ sơ lần đầu, song chỉ nhận được câu trả lời là "đợi rà soát" nhưng không biết khi nào mới "rà soát" xong. Hậu quả của việc thủ tục kéo dài, theo đại diện doanh nghiệp, đã gây ra khoản thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, Tổ công tác của Thủ tướng đang trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp khi có vướng mắc. Theo HoREA, vướng mắc về pháp lý đang chiếm tới 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu mong muốn Tổ công tác của Thủ tướng với thẩm quyền được giao sẽ phát huy tinh thần chủ động, giải quyết ngay những vướng mắc dự án thuộc thẩm quyền của tổ, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay với Thủ tướng để gỡ vướng kịp thời cho các dự án.

Minh Nhật


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết